XÉT LẠI CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG (*)
Kỳ V: Ấn
Độ: Tự do khỏi vòng dây tham nhũng
(Kỳ V, tiếp theo kỳ IV ngày 16/06/2012)
(Tham
luận của Shaazka Beyerle, Tư vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Đấu
tranh Bất bạo động, được trình bày lần đầu tại Hội nghị Hợp tác Nghiên cứu Hòa
bình Quốc tế tại Sydney, Australia, tháng 07/2010)
Ấn Độ: Tự do khỏi vòng dây tham nhũng
Khởi nguồn từ phong
trào có tên là MKSS, cuộc đấu tranh bất bạo động có nền tảng từ địa tận các
làng xã kéo dài suốt mười năm tại Ấn Độ đã đạt được một thắng lợi lịch sử vào
năm 2005 khi Quốc Hội Ấn Độ phải thông qua bộ Luật Quyền Được Thông tin (RTIA).
Bắt đầu từ năm 2006, phong trào Cột trụ thứ Năm tại Tamil Nadu đã sử dụng RTIA
làm nền tảng chiến lược cho mọi hành động của mình. Phong trào đã đặt ra nhiệm
vụ dài hạn cho mình là tối thiểu phải “khuyến khích, nâng cao năng lực, sự hiểu
biết và tăng cường các nguồn lực hỗ trợ cho mọi người dân Ấn Độ tới mức đủ khả
năng chống được tham nhũng ở mọi cấp độ.”[32] “Mục tiêu phải đạt được
là mỗi một công dân Ấn Độ là một chiến sỹ đấu tranh cho tự do bằng cách tham
gia vào các hoạt động bất hợp tác, bất bạo động và tự vệ chống lại nạn hối lộ.”
–Vijay Anand, nhà sáng lập phong trào Trụ cột thứ Năm, đã giải thích như thế.[33]
Cột trụ thứ Năm coi hối
lộ là một biểu hiện đặc biệt tệ hại của tham nhũng vì nó có tính phổ biến ở khắp
nơi và tác động rất xấu cho đời sống của người nghèo. Tuy nhiên, đặc tính đó lại
làm cho tham nhũng có thể nhìn thấy được và trở thành một mục tiêu quan trọng của
các hành động phản kháng của quần chúng. Về mặt chiến lược, muốn ngăn chặn hối
lộ thì phải làm rung chuyển được toàn bộ hệ thống tham nhũng – theo cả hai chiều,
dọc và ngang. Chiều ngang là các hệ thống hối lộ theo chức vụ trải dài khắp bộ
máy hành chính công và liên đới với các thành phần của xã hội mà chúng có tương
tác, từ giáo dục cho tới y tế và cả lĩnh vực tư nhân. Theo chiều dọc là trong một
cơ quan, một tổ chức, một thiết chế xã hội, nạn hối lộ thâm nhiễm vào cả phía
trên và dưới của dây chuyền hành chính, từ người thư ký quèn nhất cho tới những
người giữ những chức vụ cao cấp nhất.
Trụ cột thứ Năm tìm
cách tăng cường nhận thức về sự nguy hiểm và sự tồn tại của tham nhũng, rồi
khuyến khích, động viên và truyền cho họ các cách thức đấu tranh với nạn hối lộ
đang diễn ra hàng ngày, từ đó mới dần tiến tới mục tiêu làm thay đổi các hành
vi, cách thức tham nhũng.
Để đạt được những điều
đó, phong trào đã tập trung các hoạt động vào giới sinh viên và thanh niên vì
chính họ sẽ là thế hệ lãnh đạo tương lai của Ấn Độ. Phong trào Cột trụ thứ Năm
đã tổ chức các buổi huấn luyện, hội thảo ở các trường phổ thông và các khu sinh
viên khắp vùng Tamil Nadu để giúp mọi người biết cách sử dụng RTIA (Luật Quyền
Được Thông tin), động viên sinh viên, học sinh tham gia vào các cam kết chống hối
lộ và xúc tiến các trợ giúp để hình thành các nhóm sinh viên.
Phong trào Trụ cột thứ
Năm đã sáng tạo ra hai phương tiện đặc biệt để chống hối lộ. Phương tiện thứ nhất
là phát hành một tờ tiền với mệnh giá không Rupi (Zero-Rupi). Đó được gọi là một
“vũ khí bất bạo động” giúp cho mọi người dân bình thường từ bỏ thói quen chi những
khoản hối lộ nhỏ. Sáng kiến này cũng đưa ra thông điệp kêu gọi “đừng hợp tác với
tham nhũng” và chỉ cho mọi người thấy rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến
đó, mỗi người dân đều đã là một thành viên của một phong trào rộng lớn. Cột trụ
thứ Năm cũng luôn khẳng định rằng không có một viên chức tha hóa nào lại không
bị đánh đổ để tăng cường niềm tin, ý chí chống tham nhũng cho dân chúng. Đã có
gần một triệu tờ tiền Zero-Rupi được phân phát và phiên bản của tờ tiên này đã
được đưa lên mạng.
Phương tiện thứ hai
là lập hồ sơ RTI (Quyền được Thông tin). Bằng cách đặt ra các câu hỏi thích hợp,
mỗi người dân đều có thể xác đinh và ghi nhận các thái độ, hành vi sai trái để
lấy đó làm cơ sở để buộc các viên chức phải chịu trách nhiệm. Các chiến thuật bất
bạo động gắn kết với RTI bao gồm các hoạt động đa dạng: tổ chức các trao đổi, hội
thảo ở làng xã, ở các trung tâm đô thị; trợ giúp viết và gửi RTI; thực hiện các
cuộc “thanh tra, kiểm toán của dân”; in tờ rơi; hỗ trợ những người muốn tiếp
xúc trực tiếp với các cơ quan chống tham nhũng của chính phủ như Cục Cảnh báo
và Văn phòng Điều tra chống Tham nhũng Trung ương.
Cột trụ thứ Năm còn
tham gia vào các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng mối quan tâm trong
dân chúng, tăng cường sự trao đổi, truyền thông giữa các thành viên và kêu gọi
trợ giúp hay tạo ra các áp lực đối với giới chức có thẩm quyền trong việc bảo vệ
Quyền được Thông tin (RTI). Phong trào đã nghĩ ra nhiều hoạt động rất phong phú
để gây chú ý dư luận như: xếp hình bằng người, nhóm họp trên bãi biển, tổ chức
ký tên vào các phiên bản Rupi Zero khổng lồ, diễu hành ở làng xã, tổ chức thi
thơ, câu lạc bộ những người xa xứ, “kích động hòa bình”; tặng huy chương cho
các viên chức liêm khiết, diễn hài kịch, thông tin về tham nhũng qua tin nhắn
SMS, Internet. Chỉ trong khoảng 4 năm, Cột trụ thứ Năm đã triển khai các hoạt động
ở 20/28 quận của vùng Tamil Nadu với sự tham gia của 14.000 tình nguyện viên.
Phong trào còn lập các chi nhánh ở Bangalore, Karnata và vừa mới mở một văn
phòng điều hành trung ương ở Delhi.
Indonesia: Bảo vệ KPK, bảo vệ Indonesia
Ngay từ khi thành lập
vào năm 2003, Ủy ban Tẩy trừ Tham nhũng Indonesia (KPK) đã nhận ngay được sự
kính trọng và ủng hộ của dân chúng. Ngay từ đầu, KPK đã không hề do dự trong việc
phải đương đầu với các thế lực lớn trong việc chống tham nhũng ở các cơ quan
chính quyền cấp trung ương, địa phương, Quốc hội, phủ Tổng thống, lĩnh vực tư
nhân hay cả tại các cơ quan cảnh sát. KPK đã đưa ra tòa được 12 nhân vật cao cấp
gồm cả thống đốc, các viên chức tư pháp và chính trị gia. Năm 2008, phó Thống đốc
Ngân hàng Trung ương -thông gia tương lai với Tổng thống Susilo Bambang
Yudhoyono – cũng bị KPK đưa ra tòa vì tham nhũng.[34]
Những hoạt động như
thế của KPK đã đe dọa tới toàn bộ cả một hệ thống đã bị thâm nhiễm nặng bởi nạn
hối lộ và mua bán chức vụ của giới cầm quyền cao cấp. Và đương nhiên KPK không
thể tránh được việc trở thành mục tiêu bị phản công trở lại. Kể từ đầu năm 2009
các hoạt động nhằm phản đối và đè bẹp KPK được tung ra tới tấp, từ những vận động
tại quốc hội nhằm cắt bớt ngân sách và thẩm quyền của KPK, hình sự hóa một số
hoạt động của KPK, cho tới cả những âm mưu nhằm điều tra, truy tố các phó chủ tịch
KPK và kể cả âm mưu bắt Chủ tịch của KPK với cáo buộc giết người được dựng ra
chỉ nhằm để đè bẹp KPK.
Nhưng khoảng tháng
07/2006, các lãnh đạo của một số tổ chức dân sự “đã nhìn thấy các dấu hiệu”[35] Và họ quyết định cùng
nhau phải triển khai ngay những hành động chặn trước nhằm bảo vệ sự tồn tại hợp
pháp của KPK với những thẩm quyền và quyền hạn thích đáng.
Một nhà hoạt động xã
hội đã nói:”Chúng tôi đã nhận thức được rằng những gì chúng tôi đang phải đối mặt
là rất lớn, rất mạnh và rất nhiều quyền lực, do đó chúng tôi cần phải đứng cùng
với nhau.” Sau đó, các nhà hoạt động đã tung ra một chiến dịch vận động có tên
là CICAK. Cái tên CICAK có một nghĩa kép: đó là chữ ghép các chữ cái đầu của khẩu
hiệu “Yêu Indonesia là yêu việc chống tham nhũng” và nó cũng có nghĩa là con thằn
lằn Gecko ám chỉ đến câu nói chế giễu KPK của ông Tổng cục Trưởng Cục Cảnh sát
chống Tội phạm đã ví KPK như một chú thằn lằn chống lại con cá sấu khổng lồ (cảnh
sát).
Ngay sau đó đã có 100
các tổ chức dân sự khác nhau nối kết với CICAK. Một sinh viên mới tốt nghiệp
còn tự lập ra một nhóm Facebook. Còn các nhóm đấu tranh khác tại địa phương
cũng lần lượt được thành lập ở 33 tỉnh với nhiều nhân vật đã có tiếng trong
công chúng.
Nhưng sự phản công nhằm
vào KPK vẫn xảy ra. Ngày 29/10/2006, cảnh sát tiến hành bắt hai Phó Chủ tịch
KPK là Bibit Samad Rianto và Chandra Hamzah với cáo buộc hai người đã lạm dụng
chức vụ, quyền hạn. Việc bắt giữ đã diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống
Yudhoyono ra lệnh mở cuộc điều tra các cuộc trao đổi qua điện thoại đã bị ghi
âm liên quan tới một viên chức cấp cao của Văn phòng Tổng chưởng lý (Attorney General). Động thái đó đã khiến dư luận cho rằng
Tổng thống đã ngầm ủng hộ việc trấn áp KPK.
Nhưng CICAK đã chuẩn
bị để biến sự giận dữ của công chúng thành một cuộc huy động xã hội rộng lớn. Một
nhóm trên Facebook đã tập hợp được 1,3 triệu thành viên và trở thành ngay một
phương tiện chủ chốt để dân chúng thông tin, trao đổi và tập hợp với nhau.
CICAK đã tổ chức các hoạt động ở ngay tại Jakarta. Cùng với những hoạt động đó
là các hoạt động vận động của các nhóm ở tỉnh lỵ, các trường phổ thông và các
sinh viên đại học cũng bắt đầu bằng việc tổ chức các sự kiện trên khắp nước nhằm
phản đối sự trấn áp.
Các chiến thuật được
sử dụng bao gồm biểu tình, tuần hành tới Dinh Tổng thống, viết kiến nghị, đeo dải
băng đen trên người, mặc và trưng các biểu tượng của CICAK, trương biểu ngữ có
dòng chữ “Nói Không với bọn Cá sấu”, vẽ tranh trên tường ở đường phố, tổ chức
hòa nhạc, biểu tình ngồi, tập trung quây quanh cửa sở cảnh sát, tuyệt thực, diễn
kịch đường phố, biễu diễn hài mạo hiểm để lôi kéo sự chú ý của giới truyền
thông như nhảy dù từ tòa nhà KPK xuống đất. Các nghệ sỹ cũng sáng tác các bài
hát chống tham nhũng và được đưa vào làm chuông điện thoại. Gần như tất cả mọi
giới, mọi lứa tuổi, mọi thành phần và mọi tôn giáo của xã hội đều tham gia vào
phong trào phản đối trấn áp KPK. Các tu sỹ cấp cao của 05 tôn giáo lớn của
Indonesia cũng tổ chức các cuộc viếng thăm tới KPK để bày tỏ sự đoàn kết.
CICAK đưa ra lời kêu
gọi Tổng thống phải bảo vệ KPK và yêu cầu phải mở một cuộc điều tra độc lập
ngay tức khắc. Cuối cùng, với sức mạnh phản đối dâng cao rõ rệt trong dân
chúng, Tổng thống đã phải đồng ý mở cuộc điều tra mà cuối cùng cuộc điều tra đã
kết luận là mọi cáo buộc chống lại các nhân viên của KPK đều không có cơ sở. kết
cục là Bibit và Chandra được thả khỏi nhà tù còn các viên chức cao cấp của Văn
phòng Tổng Chưởng lý và của cảnh sát phải từ chức. Và điều tiếp tục như mọi người
mong muốn là các cuộc điều tra tham nhũng do KPK tiến hành lại được bắt đầu trở
lại. Tuy nhiên các lãnh đạo của phong trào dân sự vẫn cảnh giác đối với các tấn
công khác vào KPK và cũng đồng thời tự giám sát Ủy ban để nhằm bảo đảm tính độc
lập luôn được tuân thủ và sự cam kết chống tham nhũng phải được duy trì tới cùng.
(Còn
nữa. Xin xem tiếp kỳ sau ngày 29/06/2012)
[32] Phần này được dựa
trên các cuộc phỏng vấn với bốn nhà lãnh đạo và hoạt động dân sự chống tham
nhũng của Phong trào Trụ cột thứ Năm, bao gồm cả nhà sáng lập Vijay Annand.
[33] Trao đổi riêng với nhà sáng lập Vijay Annand.
[34] Tim Lindsey,
“Indonesia’s gecko-gate,” The Australian, November 20, 2009.
[35] Phần này được dựa trên các cuộc
phỏng vấn với bốn nhà lãnh đạo tham gia vào chiến dịch CICAK.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét