Đánh “Đồng Chí X”:
Chơi Mà Thực – Thực Mà Chơi.
Nguyễn Quang Duy
Lý thuyết trò chơi là một ngành khoa
học nghiên cứu các phản ứng chiến thuật giữa các người chơi khi họ chọn những
hành động khác nhau để đạt được kết quả tối đa. Khởi đầu lý thuyết được dùng
phân tích và dự đóan chiến thuật quân sự và ngọai giao góp phần đánh đổ thể chế
cộng sản Âu Châu. Đến nay nó được ứng dụng vào mọi ngành khoa học thực dụng,
như việc thiết kế người máy hay vận động tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Sự hữu
dụng của lý thuyết đã được chính thức công nhận với 8 học giả đọat giải Nobel
kinh tế và năm nay giải lại vừa được trao cho hai học giả Alvin Roth và Lloyd
Shapley.
Lý thuyết trò chơi thường dựa trên
năm yếu tố cơ bản: người chơi (players); giá trị gia tăng (added values); quy
tắc hay luật chơi (rules); chiến thuật (tacties) và phạm vi trò chơi (scope).
Bài viết xin bám sát 5 yếu tố cơ bản nói trên giúp bạn dễ dàng tham gia cuộc
chơi đánh tham nhũng để thấy “Chơi Mà Thực – Thực Mà Chơi”.
Người Chơi (Players)
Hai nhân vật khởi đầu cuộc chơi là
Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang. Cả hai cùng đều là người miền Nam, đều là
đàn em của Võ văn Kiệt, đều rất thực tế và trước đây cả hai đều nhắm đến cái
ghế Thủ Tướng.
Nguyễn Tấn Dũng được đồn là xuất
thân từ một gia đình cộng sản chính gốc, có tầm nhìn và tài lãnh đạo hơn hẳn
các lãnh đạo cộng sản khác. Trương Tấn Sang được tiếng là lì đòn, chịu đấm ăn
xôi, thường nói xuôi nói ngược chiều lòng người, nhưng lại vướng vào tham nhũng
Nam Cam và đông thê nhiều thiếp. Vì thế Nguyễn Tấn Dũng được Võ văn Kiệt thu
xếp để hai lần làm Phó Thủ Tướng rồi đưa lên Thủ Tướng.
Đến Đại Hội Đảng lần thứ 11, Trương
Tấn Sang muốn giành chức Tổng Bí Thư, nhưng Nguyễn Tấn Dũng tìm mọi cách ngăn
cản. Ông Sang ngấm ngầm đưa ra một hình ảnh Nguyễn Tấn Dũng vừa tham nhũng vừa
yếu kém trong việc điều hành quốc gia. Nhờ vậy có lúc dư luận tin rằng Trương
Tấn Sang sẽ nắm chức Tổng Bí thư để cân bằng quyền lực ngày càng gia tăng của
Nguyễn Tấn Dũng.
Cuối cùng các phe cánh trong đảng
Cộng sản trao chức Tổng Bí Thư cho Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng một nhà khoa bản
nắm lý thuyết cộng sản nhưng xa rời hiện thực. Ông nói như thuộc và trả bài,
nói và làm như không hiểu thực tế đảng mà ông đang sinh họat, thực tế xã hội và
thực tế thế giới mà ông đang sống. Ông xa cách thực tế đến độ không ai hiểu ông
ta muốn nói điều gì vì thế bà con Hà Nội đặt ông là Trọng Lú.
Ông Trọng lại bị bệnh tim và ngay
sau Đại Hội 11 có tin đồn ông sẽ chỉ làm nửa Nhiệm kỳ 5 năm, nghĩa là giữa năm
2013 sẽ có người thay thế chức Tổng Bí Thư. Việc đảng Cộng sản thu xếp đưa ông
Trọng lên cho thấy cuộc khủng hỏang lãnh đạo bắt đầu. Dấu hiệu Đại Hội 11 là
Đại Hội cuối cùng của đảng Cộng sản Việt Nam.
Trương Tấn Sang thì được thu xếp làm
Chủ tịch nhà nước một chức vụ lễ nghi hình thức. Vì không trực tiếp cầm quyền,
không được nắm tài sản của quốc gia nên dễ cho ông Sang tuyên bố tham nhũng như
sâu và “một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy”. Câu tuyên bố nhằm ám chỉ
ông Dũng và phe cánh. Nhưng khi tuyên bố như trên ông Sang quên rằng đàn sâu
tham nhũng đã được sinh ra và được thể chế chính trị mà ông đang đại diện nuôi
dưỡng.
Tham nhũng theo định nghĩa được
nhiều người chấp nhận là những hành vi cố tình không tuân thủ các nguyên tắc
công minh nhằm trục lợi cho cá nhân hoặc cho những kẻ có liên quan tới hành vi
đó. Bản chất của thể chế tòan trị cộng
sản chính là mầm mống phát sinh và nuôi dưỡng tham nhũng.
Trong thể chế cộng sản Chính Phủ,
Quốc Hội, Tư Pháp và tất cả đòan thể chính trị, các cơ sở kinh tế đều dưới sự
kiểm soát và quản lý của đảng Cộng sản. Để xây dựng và củng cố thể chế, đảng
Cộng sản cần một tầng lớp cai trị lấy sự trung thành với đảng làm căn bản cho
việc phân phối phúc lợi tập thể, quyền lực và tài sản quốc gia. Khi đảng Cộng
sản phải chấp nhận kinh tế thị trường thì sự yếu kém về mặt chính trị bộc lộ. Các
hoạt động bao che, bè phái, ràng buộc gia đình, dòng họ, bạn bè, ... dẫn đến
tình trạng tham nhũng xâu xé đất nước như hiện nay.
Tháng 11-2009, Đại biểu Quốc Hội
Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chất vấn Nguyễn Tấn Dũng vì sao “các báo cáo
của Chính phủ năm 2008 và năm 2009 cho thấy còn trên 250 vụ việc tham nhũng kéo
dài đã có ý kiến của Thủ tướng và 380 vụ việc đã có kết luận của các bộ, ngành
nhưng chưa được các cơ quan và ủy ban nhân dân các cấp thực hiện”. Ông Dũng
bó tay thú nhận họ là người của đảng Cộng sản của hệ thống chính trị và “hơn
3 năm nay làm Thủ tướng tôi cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, tôi cũng
muốn học theo đồng chí Phạm Văn Đồng”. Ông Dũng gián tiếp thú nhận cá nhân
và nhà nước do ông đại diện thiếu thực quyền để xử lý cán bộ đảng.
Nói rõ ra phương cách để giới hạn và
kiểm sóat tham nhũng phải là tam quyền phân lập, là công khai, minh bạch, là
nêu rõ trách nhiệm, là tự do báo chí, là tự do chính trị, là đa nguyên đa đảng.
Những điều trên khi khai mạc Hội Nghị lần thứ 5 Nguyễn Phú Trọng đã công khai
bác bỏ. Nhưng điều ông Trọng bác bỏ lại chứng tỏ ngay trong guồng máy cầm quyền
đã có những người nhận ra bản chất tham nhũng và phương cách kiểm sóat tham
nhũng.
Ngược lại Nguyễn Phú Trọng lại tin
vào phương cách “phê và tự phê” và muốn lấy Nguyễn Tấn Dũng làm con dê tế thần.
Thế cờ đưa ra Hội Nghị 6 với kết quả thê thảm đến độ Nguyễn Phú Trọng tủi thân
nức nở xin các đồng chí thứ lỗi. Ông Sang thiếu tâm lý vì nếu ông Dũng bị xử lý
thì nhiều người rồi cũng sẽ bị mang ra xét xử. Ông buộc các Ủy viên Trung Ương
phải làm một cuộc “đảo chánh cung đình” phủ nhận quyết định của Bộ Chính Trị.
Trương Tấn Sang thua nhưng không chị
bỏ cuộc, ngay sau đó lại xúi cử tri (đảng viên thuộc phe cánh ?) đánh “đồng chí
X”. Ông Sang tuyên bố nếu không dẹp được “đồng chí X” thì về quê đuổi gà coi
vịt. Dấu hiệu cho thấy trò chơi sẽ còn nhiều sôi nổi.
Việc ông Trọng và ông Sang không dám
nêu đích danh ông Dũng trước công chúng cho thấy họ vẫn xem tham nhũng chính là
lỗi của ông Dũng và là chuyện nội bộ đảng Cộng sản. Có đảng viên đã lên tiếng
kêu gọi triệu tập Đại Hội giữa kỳ gồm các đại biểu tham dự Đại Hội 11. Biết đâu
Đại Hội này là để biểu quyết chọn lựa giữa đồng chí X, hai đồng chí Sang Trọng.
Nguyễn Tấn Dũng quyền biến hơn,
trong đảng ông âm thầm thuyết phục trách nhiệm không phải tại riêng ông mà của
tòan Bộ Chính Trị và của những người đi trước ông để lại. Ông chỉ là người thừa
hành trách nhiệm đảng giao, bản thân ông không muốn xử lý bất cứ ai. Ra ngòai
ông còn vượt xa hơn một bước là nghiêm túc nhận trách nhiệm và “… xin nhận
lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân” và hứa sẽ khắc phụ. Nếu nhìn
từ phía những kẻ cầm quyền ông Dũng xứng đáng là người lãnh đạo.
Về phía người dân ai dám tin khi
cũng chính ông Dũng trong lễ nhậm chức Thủ Tướng đã ngẩng cao đầu tuyên bố
"Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống
được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." Khủng hỏang lãnh đạo và khủng
hỏang niềm tin chính là hiện trạng Việt Nam.
Tham nhũng không phải chỉ là lỗi mà
là tội trước pháp luật và khi tham nhũng cấu kết với ngọai bang là tội phản
quốc. Tham nhũng trực tiếp ảnh hưởng đến mọi tầng lớp vì thế nhiều người đã
nhập cuộc đấu tranh. Thí dụ như câu chuyện về đồng chí X qua tin đồn đã loan
truyền khắp nơi. Người đưa tin người truyền tin chính là những người trực tiếp
tham gia cuộc chơi. Việc dư luận đòi ông Dũng từ chức đã thành một sức ép bắt
ông Dũng và đảng Cộng sản phải nhận lãnh trách nhiệm.
Trò chơi đã chuyển từ thế tiêu cực chống tham nhũng sang một thế tích cực đánh tham nhũng. Ý thức của người dân không chỉ
giới hạn trong việc đánh đồng chí X, mà là đánh đổ tham nhũng, đánh đổ cái thể
chế tạo ra và nuôi dưỡng tham nhũng. Như thế trò chơi đánh đồng chí X sẽ là trò
chơi cho tất cả mọi người quan tâm đến sự sống còn của dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét