Quân
đội là của ai?
Ngô Nhân Dụng
Friday, December 28, 2012 6:25:28 PM
Một bản tin trên Nhật
báo Người Việt cho biết ngày 3 tháng 10, 2012 một bài trên tờ Quân Ðội Nhân
Dân ở Hà Nội nhìn nhận “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị diễn ra hằng ngày,
hằng giờ trong từng nơi, từng lúc, với mức độ khác nhau. Một bộ phận không
nhỏ những đảng viên rất thiếu ý thức khi học tập, nghiên cứu, quán triệt,
thực hiện nghị quyết của đảng.”
Quân Ðội Nhân Dân là cơ quan tuyên
truyền của đảng Cộng Sản nhắm vào những người cầm súng. Khi nói đến “bộ phận
không nhỏ những đảng viên thiếu ý thức,” chắc tờ báo này nhắm vào đối tượng
chính của họ là các đảng viên ở trong quân đội. Lời cảnh cáo trên cho thấy
mối lo chung của nhóm cầm đầu đảng Cộng Sản Việt Nam. Họ lo không thể tiếp
tục coi tất cả các người cầm súng còn nhắm mắt làm tay sai cho các lãnh tụ
đảng mãi mãi. Quyền hành của đảng Cộng Sản hiện đang được đám công an vũ
trang bảo vệ. Nhưng nếu quân đội có thái độ trung lập, hay đứng về phía nhân
dân, thì quyền hành đó sẽ tiêu tan.
Vì vậy, đảng Cộng Sản phải “động
viên” lòng trung thành của quân đội bằng mọi cách. Ngày 23 tháng 12, 2012
cũng trên tờ Quân Ðội Nhân Dân phải đăng một bài khác nói rõ hơn, với tựa đề:
“Không thể chấp nhận quan điểm quốc gia hóa quân đội,” ký tên Nguyễn Tiến
Bình, một trung tướng, giám đốc Học Viện Quân Y. Không chấp nhận quốc gia hóa
quân đội, Nguyễn Tiến Bình hô hào: “Quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo
toàn diện của đảng, phải bảo vệ các lợi ích của đảng!” Lời hô hào này lại
càng cho thấy các lãnh tụ Ba Ðình đang lo lắng thật sự. Người Việt Nam nào
bây giờ cũng biết đám cầm đầu đảng Cộng Sản, từ cao nhất đến cấp huyện, cấp
xã, chỉ là một nhóm người vừa ngu dốt, bất lực vừa tham lam, bày ra mọi thủ
đoạn bòn rút. Chính bọn người này gây ra tình trạng kinh tế yếu kém, giáo dục
sa sút, đạo đức suy đồi, trong mấy chục năm qua.
Không một người nào có lương tâm lại
chịu đóng vai làm tay sai đi “bảo vệ lợi ích” cho bọn quan chức “cướp ngày”
này.
Trong một quốc gia tiến bộ, quân đội
không bao giờ phải đóng vai tay sai của bất cứ một đảng chính trị nào cả. Ở
các nước chưa tạo được tập quán dân chủ, có những lúc quân đội đảo chính để
lật đổ một chính quyền không được lòng dân. Nhưng cuối cùng, các quân nhân
cũng trao trả quyền hành cho các người lãnh đạo được dân bỏ phiếu bầu lên.
Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, vân vân, đã sống qua những thời kỳ quân đội
nắm quyền. Nhưng cuối cùng quân đội cũng “rút về doanh trại,” để người dân
quyết định chọn người lãnh đạo theo thể thức dân chủ. Gần đây nhất, năm 2006
các tướng lãnh Thái Lan đã đảo chánh lật đổ ông Thaksin, một vị thủ tướng bị
tố cáo tham nhũng, lạm quyền. Nhưng chỉ trong một năm sau, người dân Thái Lan
lại được cầm lá phiếu quyết định ai là người lãnh đạo quốc gia. Trong cuộc
bầu cử năm 2011, đảng Pheu Thai lại thắng và cô em gái của ông Thaksin đã lên
làm thủ tướng; mặc dù chính ông ta không dám về nước vì bản án về tội lạm
quyền vẫn chưa được xóa bỏ.
Những nhóm quân nhân cầm quyền lâu
nhất, sau cùng cũng phải rút về doanh trại, khi người dân ý thức được quyền
tự do quyết định vận nước của họ. Tướng Suharto nắm quyền tại Indonesia hơn
30 năm, sau cùng bị dân nổi lên lật đổ. Hơn 10 năm sau đó nước Indonesia sống
trong chế độ dân chủ tự do. Các tướng lãnh ở Miến Ðiện ý thức được sự bất lực
của họ trước cảnh kinh tế suy sụp và lo sợ áp lực của Trung Quốc đè nặng,
đang quay đầu về với dân, bước lên con đường dân chủ hóa. Ðảng Cộng Sản Việt
Nam đang lo ngại vì tin tức về tiến trình dân chủ hóa tại Miến Ðiện có thể
khiến nhiều người trong quân đội cũng tự hỏi tại sao nước Việt Nam lại chịu
thua người ta, toàn dân phải tiếp tục sống dưới một chế độ độc tài bất lực và
thối nát! Trước đây, một quân nhân đã được đảng Cộng Sản đưa lên cầm quyền ở
Ba Lan là Tướng Wojciech Jaruzelski, chính ông đã góp công dân chủ hóa đất
nước khi mời một người thuộc Công Ðoàn Ðoàn Kết lập chính phủ.
Nỗi lo sợ của đảng Cộng Sản Việt Nam
thúc đẩy tờ báo tuyên truyền nhắm vào quân đội phải lớn tiếng báo động: Không
thể chấp nhận “quốc gia hóa quân đội!” Mục đích là bắt quân đội tiếp tục
ngoan ngoãn làm tay sai cho nhóm người cầm đầu đảng.
Nhưng ngay ở trong nước đã có nhiều
người chế nhạo những luận điệu hàm hồ của bài báo trên. Ngày 26 tháng 12,
2012 đã xuất hiện một bài trên Facebook Doan Phung Viet phê phán những lý
luận và bằng chứng sai lầm của tác giả. Một sai lầm nặng nhất là khi Nguyễn
Tiến Bình dẫn chứng các sắc lệnh do Hồ Chí Minh ký từ năm 1946: Sắc lệnh số
71/SL, Sắc lệnh số 47/SL, Sắc lệnh số 60/SL.
Doan Phung Viet viết: “Tôi chỉ mới
tra cứu sơ sơ đã thấy, ba sắc lệnh trưng dẫn, & cả ba không có điều,
khoản nào đề cập đến chuyện ‘quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng
và phải bảo vệ lợi ích của đảng!’” Nói rõ hơn: Sắc lệnh số 71/SL ngày 22
tháng 3 năm 1946, quy định chi tiết về biên chế và cấp số của Ðại đoàn Quân
đội Quốc gia Việt Nam. Sắc lệnh số 47/SL ngày 1 tháng 5 năm 1947, qui định về
việc tổ chức bộ tổng chỉ huy. Sắc lệnh số 60/SL ngày 6 tháng 5 năm 1946, đổi
tên ủy ban kháng chiến toàn quốc thành Quân sự Ủy viên hội.
Ai cũng thấy: Tên gọi đầu tiên của
quân đội là “Quân đội Quốc gia” chứ không phải là “Quân đội của đảng Cộng
Sản!”
Các sắc lệnh trên, Hồ Chí Minh ký khi
vẫn còn đeo mặt nạ “quốc gia,” trong thời gian đảng Cộng Sản đã được Hồ chính
thức tuyên bố “giải tán” để đóng trò yêu nước! Tất nhiên, trước khi được
Trung Cộng viện trợ để tái lập đảng dưới tên đảng Lao Ðộng, Hồ không dám nói
quân đội chỉ là tay sai của một đảng!
Nguyễn Tiến Bình còn viết khen ngợi
Hồ Chí Minh là biết “mềm dẻo về sách lược” khi nói một đằng, làm một nẻo.
Doan Phung Viet nhận xét: “Khen như thế còn độc địa, nham hiểm hơn là chửi
đó! Cứ như bác viết thì chẳng lẽ đảng ta và Chủ Tịch Hồ Chí Minh dùng Hiến
pháp để bịp mọi người sao?”
Trong hai thế hệ, từ 1945 đến 1990,
bao nhiêu thanh niên Việt Nam bị bịp hy sinh xương máu cho tập đoàn tham
nhũng lên ngôi, để đất nước tới nỗi này!
Ðó là điều mà nhiều người trong quân
đội tự đặt ra. Và họ thì thầm hỏi lẫn nhau: Không lẽ đến bây giờ lại để cho
bọn Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, bịp bợm tiếp hay sao? Những người biết
đặt câu hỏi đó được báo Quân Ðội Nhân Dân mô tả: “Suy thoái về tư tưởng chính
trị diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong từng nơi, từng lúc, với mức độ khác
nhau...” Những lời hô hào “Không chấp nhận quốc gia hóa quân đội! Quân đội
phải bảo vệ các lợi ích của đảng!” là những lời hoảng hốt kêu cứu.
Ðúng là những lời kêu cứu. Bởi vì
Nguyễn Tiến Bình lo sợ quân đội chỉ biết đến quốc gia, không biết đến đảng sẽ
“làm cho đảng không nắm được quân đội, dẫn đến mất vai trò đảng cầm quyền!”
Bình đã đưa tấm gương sụp đổ của đảng Cộng Sản Liên Xô ra đe dọa. Khi chế độ
Cộng Sản Liên Xô sụp đổ, “lúc đó quân đội Liên Xô còn 3.9 triệu quân thường
trực, được trang bị rất hiện đại, vượt xa các nước cả về lực lượng chiến đấu
thông thường và lực lượng hạt nhân chiến lược...” Chỉ vì đảng không kiểm soát
được quân đội nên Liên Xô tan rã.
Nguyễn Tiến Bình đã quên, là vào năm
1991 không phải chỉ có quân đội Nga lọt ra ngoài tầm tay của đảng Cộng Sản.
Ngay cả tổ chức KGB khổng lồ toàn mật vụ và công an cũng biết chán chế độ
rồi. Họ thấy dù họ được hưởng đủ thứ đặc quyền đặc lợi, nhưng cứ tiếp tục
sống trong một chế độ bất lực và tham nhũng thì con cháu họ sẽ không có tương
lai! Chính các sĩ quan KGB đã từ chối không đưa tay ra cứu những người đảo
chính bảo vệ chế độ Cộng Sản, cho nên cuộc cách mạng ở Nga mới thành công.
Bài báo của Nguyễn Tiến Bình chứng tỏ
đảng Cộng Sản Việt Nam đang lo sợ là quân đội sẽ thức dậy. Không ai có thể
cúi đầu làm tay sai mãi mãi. Ðầu năm 2012 có mấy quân nhân trong huyện đội
Tiên Lãng đã được đưa tới tham dự vụ cướp đất ở khu đầm cá do anh em ông Ðoàn
Văn Vươn khai phá. Ngay sau đó, một số tướng lãnh cảm thấy cả tập thể quân
đội phải chịu nỗi nhục đi cướp đất của dân, đã lên tiếng phản kháng.
Quân đội còn cảm thấy nhục nhã hơn
nữa, trước cảnh đảng Cộng Sản Việt Nam nhu nhược chịu khuất phục và bám lấy
Trung Cộng. Khi các ngư dân Việt Nam bị bắn, giết, bắt cóc; khi các con tàu
Việt Nam bị cắt dây cáp, người dân đều hỏi: “Thế quân đội mình đang ở đâu?”
Hàng triệu quân nhân nhìn nhau không
biết trả lời sao! Dân Việt Nam còn tiếp tục biểu tình chống Trung Cộng, sẽ
tới ngày lực lượng công an cũng không đủ để đàn áp. Nếu tập thể quân đội ý thức
được rằng họ không phải là tay sai của một nhóm người nào, mà chỉ có bổn phận
bảo vệ lợi ích của toàn dân, thì họ sẽ không bao giờ quay họng súng bắn dân
để “bảo vệ các lợi ích của đảng” như lời kêu gọi của Nguyễn Tiến Bình.
Các chế độ độc tài chuyên chế chắc
chắn sẽ sụp đổ, dù cộng sản hay không cộng sản. Loài người đang cùng nhau
tiến trên con đường tự do dân chủ, không có đường nào khác. Trong mọi quốc
gia văn minh, quân đội là của nhân dân, của đất nước. Những người quân nhân
tự trọng không bao giờ cúi đầu làm tay sai cho một đảng phái nào cả! Dân Việt
Nam không ngu đến nỗi không biết điều đó. Dân Việt Nam không hèn đến nỗi cứ
cúi đầu chịu nhục mãi.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét