RFI Điểm Bao Thứ ba 25 Tháng Mười Hai 2012
- Tây Ban Nha : Noel thời khủng hoảng
- Ai Cập : bất ổn chính trị làm trì trệ nền kinh tế
- Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc về quyền sở hữu vũ khí
- Hở ngực không sao, hở đùi mới cấm
Thứ
ba 25 Tháng Mười Hai 2012
Tây
Ban Nha : Noel thời khủng hoảng
Người Tây Ban Nha vốn có thói quen chi tiêu nhiều nhân dịp lễ
cuối năm. Vậy mà từ khi khủng hoảng nổ ra,, “ngân sách” dành cho Noel
của họ đã giảm đến 40%, trong xã hội thì ngày càng có nhiều người rơi
vào cảnh khốn cùng. Về chủ đề này, báo kinh tế Les Echos có bài: “Tây
Ban Nha : truyền thống được duy trì theo hướng giảm xa hoa”.
Một anh bán hàng bận trang phục ông
già Noel tại Madrid (REUTERS)
|
Les Echos nhận định, chính sách khắc khổ và khủng hoảng đã
khiến người Tây Ban Nha phải đắn đo suy nghĩ, cân nhắc chi tiêu. Theo
một nghiên cứu, chi tiêu của người Tây Ban Nha cho lễ cuối năm thấp hơn
40% so với cách đây 5 năm, sức mua tại Tây Ban Nha cũng đã giảm đến 11%.
Khung cảnh Noel năm nay tại Tây Ban Nha theo Les Echos là như sau:
đường phố ít đèn trang trí hơn, tiệc của các công ty đơn giản hơn, bữa
ăn gia đình đạm bạc hơn, quà cáp cũng không nhiều.
Một viên chức nước này cho biết, vì bữa ăn Noel là thiêng liêng nên
mọi người không thể bỏ qua, tuy vậy mẹ của anh ta phải mua thức ăn trước
một tháng vì sợ gần đến ngày Noel thì giá cả sẽ leo thang. Còn về quà
cáp, viên chức này thừa nhận, do bị cắt tiền thưởng theo chính sách khắc
khổ của chính phủ, nên những viên chức như anh đều phải chi tiêu dè dặt
và hạn chế tặng quà.
Thượng viện và Hạ viện Tây Ban Nha đã quyết định không tổ chức tiệc
Noel như mọi năm. Les Echos đánh giá, động thái này mang tính biểu trưng
cao trong giai đoạn mà có đến 25% người trong độ tuổi lao động bị thất
nghiệp, 1,7 triệu hộ gia đình có tất cả các thành viên không có việc làm
và 600 000 hộ gia đình hoàn toàn không có thu nhập.
Ai Cập : bất ổn chính trị làm trì trệ nền kinh tế
Tại Ai Cập, bất ổn chính trị triền miên đã khiến cho nền kinh tế vốn
đã khó khăn lại càng thêm èo ọt. Báo L’Humanité phân tích chủ đề này với
bài viết : « Ai Cập chia rẽ lún dần trong sự uể oải của nền kinh tế ».
Tờ báo liệt kê một loạt khó khăn kinh tế mà Ai Cập đang đối mặt : thâm
hụt ngân sách ngày càng cao, dự trữ ngoại tệ ảm đạm, các nhà đầu tư và
khách du lịch nước ngoài không dám đến Ai Cập vì những bất ổn chính trị
triền miên.
Trong bối cảnh đó, tình hình chính trị tiếp tục bất ổn dù bản dự
thảo Hiến pháp đã được thông qua. Chưa hết, số tiền cho vay hỗ trợ 4,8
tỷ đô la dành cho Ai Cập của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang bị đình hoãn
do bất ổn chính trị. Hôm thứ Bảy rồi, tại Ai Cập có thông báo thống đốc
ngân hàng trung ương nước này từ chức, nhưng ngay sau đó lại có tin
đính chính. Tất cả vẽ ra một cảnh rối bù tại Ai Cập, khiến giới đầu tư
thêm e ngại đặt chân đến nước này.
Bàn về du lịch, lĩnh vực then chốt của Ai Cập nhờ vào các Kim Tự
Tháp, L’Humanité cho biết, thu nhập từ ngành du lịch của năm 2011 đã
giảm đến 30%. Sự suy giảm này sẽ tỉ lệ thuận với bất ổn chính trị của Ai
Cập. Dự trữ ngoại tệ đã giảm đi phân nữa so với thời trước khi lật đổ
MubaraK. Nhập khẩu nhu yếu phẩm của Ai Cập cũng tăng cao.
Dân số Ai Cập có khoảng 83 triệu người, tức đông dân nhất trong các
quốc gia Ả Rập, tuy nhiên cũng thuộc một trong những nước nghèo nhất thế
giới Ả Rập với 40% dân số sống dưới mức 2 đô la/ngày. Thêm vào đó,
những di chứng mà thời đại Mubarak để lại vẫn còn đó, dù cách mạng đã
trải qua 2 năm, đó là : bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng, tham nhũng
tràn lan, giáo dục và y tế trì trệ. Theo đánh giá của IMF, tăng trưởng
của Ai Cập năm nay chỉ ở mức 2%, còn dự báo cho năm 2013 là 3%, tức thấp
hơn 2 lần so với thời tổng thống Mubarak.
Trong bối cảnh đó, tổng thống Morsi và phe của ông là phong trào
Huynh Đệ Hồi Giáo cho rằng, việc thông qua bản Hiến pháp sẽ đem lại ổn
định chính trị để từ đó lấy đà phục hồi kinh tế. Thế nhưng, Nobel Hòa
Bình Mohammed El-Baradei thì nhận định, bản hiến pháp chỉ làm tăng thêm
căng thẳng về chính trị, xã hội và kinh tế. Ông cảnh báo : « Ai Cập đang
bên bờ phá sản ».
Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc về quyền sở hữu vũ khí
Từ khi xảy ra vụ một thanh niên 20 tuổi xã súng giết chết 26 người ở
trường tiểu học Sandy Hook tại Newtown bang Connecticut vùng tây bắc
nước Mỹ, người dân đua nhau đi mua súng tự vệ, trong khi đó xã hội Mỹ
tiếp tục chia rẽ về việc hạn chế hay không quyền sử dụng vũ khí của công
dân. Thông tin này được phản ánh trên tờ nhật báo Le Monde.
Tờ báo cho biết, sau vụ thảm sát Newtown, những người phản đối vũ khí
thì cho rằng để tránh tái diễn thảm trạng này, nên cấm hoặc hạn chế
dùng vũ khí tấn công, tổng thống Obama cũng đã kêu gọi lưỡng viện thông
qua luật hạn chế vũ khí. Thế nhưng, những người ủng hộ vũ khí lại nghĩ
khác. Theo họ, để tăng cường an ninh, người Mỹ cần có thêm phương tiện
tự vệ, vì thế không nên hạn chế việc sử dụng súng.
Trong bối cảnh đó, sợ rằng ý định hạn chế súng của tổng thống Obama
sẽ trở thành hiện thực, nên nhiều người Mỹ đã đổ xô nhau đi mua những
loại súng mà có thể sẽ bị hạn chế.
Le Monde cho biết, việc mua súng tại Mỹ đã tăng kỷ lục. Không chỉ ở
thành thị, mà ở các vùng nông thôn, làn sóng mua vũ khí này cũng rất dữ
dội. Đại diện một công ty cung cấp súng thuộc hàng đầu của Mỹ cho biết,
chỉ trong ba ngày mà lượng súng bán ra đã bằng với thời gian 3 năm rưỡi.
Thành viên một công ty cung cấp vũ khí khác cho hay, sau thảm họa
Newtown, lượng bán ra của công ty này đã tăng đến 6 lần.
Không chỉ có người lớn mà ngay cả trẻ em cũng trang bị tự vệ. Theo Le
Monde, lượng mua dụng cụ tự vệ dành cho trẻ em cũng đã tăng đáng kể
trong đó loại thu hút nhất là chiếc cặp mang tên « cặp chống đạn ». Tại
Mỹ, hiện có khoảng 310 triệu khẩu súng được lưu hành, tức trung bình
01 đơn vị cho 01 người Mỹ. Có khoảng 300 công ty sản xuất vũ khí trên
thị trường vũ khí Hoa Kỳ với doanh số khoảng 7 tỷ đô la mỗi năm.
Le Monde kể lại một câu chuyện cho thấy sức ảnh hưởng của phe ủng hộ
vũ khí tại Mỹ. Số là một phóng viên người Anh làm việc cho kênh truyền
hình CNN tại Hoa K ỳ có bài phỏng vấn người đứng đầu của Hội Những người
dùng súng tại Mỹ (Gun Owners of America). Phóng viên này có lập trường
hạn chế việc dùng súng, nên khi phỏng vấn, trước đề nghị tăng cường việc
dùng súng để đảm bảo an toàn cho mọi người, phóng viên này đã phản ứng :
« Ngài là một người ngốc không thể tưởng tượng được ».
Thế là sau đó, một phóng viên khác ủng hộ việc tự do sở hữu vũ khí đã
đưa lên mạng thư đề nghị Nhà Trắng « trục xuất ngay lập tức » phóng
viên nói trên của CNN. Được đưa lên mạng vào hôm thứ Sáu rồi, đến hôm
qua bức thư này đã có đến 39 500 người tham gia ký tên.
Tranh cãi về vũ khí tại Mỹ vẫn còn tiếp diễn, ai đúng ai sai vẫn là
chuyện « hạ hồi phân giải ». Thế nhưng, Le Monde đưa ra một đánh giá
ngắn gọn nhưng nói lên được nhiều điều : Người Mỹ có nguy cơ bị bắn chết
cao gấp 20 lần so với những nước phát triển khác.
Hở ngực không sao, hở đùi mới cấm
Nhật báo Le Monde mang đến một thông tin đáng chú ý : tại vương quốc
Swaziland ở Châu Phi, phụ nữ sẽ bị cấm mặc mini-jupe, nhưng lại được để
ngực trần để nhảy múa. Phát ngôn của lực lượng an ninh nước này cho
biết, sẽ cấm nghiêm việc phụ nữ « ăn mặc thiếu đứng đắn » theo một đạo
luật năm 1889. Ai vi phạm có thể bị phạt đến 6 tháng tù.
Sắp tới, tại nước này, phụ nữ cũng không được phép mặc quần jean đáy
xệ. Nếu mặc thì nhà cầm quyền cho biết sẽ phải tự chịu trách nhiệm khi
bị hiếp dâm. Lập luận mà nhà cầm quyền đưa ra trong việc cấm đoán này là
để giúp phụ nữ tránh nguy cơ bị hãm hiếp khi ăn mặc khiêu gợi.
Tuy nhiên, tờ báo cho biết, lễ hội phụ nữ để ngực trần, mặc khố
truyền thống hoàn toàn hở mông để nhảy múa trước quốc vương sẽ vẫn được
duy trì. Được biết, mỗi năm thông qua lễ hội này, quốc vương sẽ chọn
thêm một người vợ trong số các phụ nữ nhảy múa.
Quốc gia Châu Phi này có diện tích độ chừng hơn 17 000 km2 với dân số
chỉ hơn 1 triệu người. Hơn 70% dân số Swaziland sống dưới mức nghèo
khổ.
No comments:
Post a Comment