RFI Điểm Báo Thứ năm 27 Tháng Mười Hai 2012
- Thái Bình Dương : Chiến trường của Mỹ và Trung Quốc
- Sách lược dựa vào đồng minh của Hoa Kỳ
- Ai dám chọc giận Trung Quốc ?
- Nhật Bản : Chính phủ diều hâu ?
- Thủ tướng Abe muốn tái lập chế độ quân phiệt ?
- Hàn Quốc : Các đại tập đoàn trong tầm ngắm của tân tổng thống ?
- Đức đã tự do tham chiến ?
- Các nước tân hưng đua nhau làm tàu cao tốc (TGV)
Thứ
năm 27 Tháng Mười Hai 2012
Thái
Bình Dương : Chiến trường của Mỹ và Trung Quốc
Trong các số cuối năm, báo chí Pháp tập trung tổng kết tình
hình năm cũ và dự phóng viễn ảnh trong năm mới. Theo khuynh hướng đó,
nhật báo Cộng sản Pháp L’Humanité số ra hôm nay có bài nhìn về vùng Châu
Á-Thái Bình Dương với dòng tựa báo động : « Mỹ-Trung Quốc, cuộc chiến mới trên Thái Bình Dương ».
Một tàu hải giám của Trung Quốc tuần tra tại vùng quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 10/2012. Reuters
|
Trước tiên, tờ báo nhắc lại, hôm 29 tháng 11 rồi, Thượng viện
Hoa Kỳ đã bỏ phiếu bày tỏ ủng hộ đối với Nhật Bản trên hồ sơ
Senkaku/Điếu Ngư, theo đó, Washington thừa nhận « sự quản lí »
của Nhật trên các hòn đảo đã được Tokyo quốc hữu hóa hồi tháng 9.
L’Humanité nhận định, Hoa Kỳ qua đó đã thể hiện rõ ràng nghiêng về phía
Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc, đồng thời,
điều này cũng cho thấy một phần trong chính sách Thái Bình Dương của Nhà
Trắng.
Tờ báo nhấn mạnh, khi tỏ rõ lập trường như vậy, Hoa Kỳ đã cho thấy
một phần trong tham vọng của mình tại vùng Thái Bình Duơng, chứ không
chỉ là mấy hòn đảo nhỏ bé chỉ có chừng 7 km2. Khu vực có liên quan rộng
tới 3,5 triệu km2 trải dài từ Đài Loan đến Singapore. Khu vực này có
nhiều tiềm năng thủy sản và có trữ lượng dầu lên đến 200 triệu thùng
trong khi Ả Rập Xê Út nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới có trữ lượng
là 260 triệu thùng. Ngoài ra khu vực nói trên còn là tuyến đường hàng
hải quan trọng, chuyên chở tới 2/3 lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Toàn
khu vực này cũng là nơi thường xuyên diễn ra các sự cố, vùng tranh chấp
giữa Trung Quốc và các nước lân cận như Việt Nam, Brunei, Malaisia,
Philippines và Đài Loan. Cũng tại khu vực này, Mỹ sẽ cho triển khai từ
đây đến năm 2020 60% lực lượng hải quân của mình, mặc dù xưa nay quân
đội Mỹ vẫn luôn mạnh nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Sách lược dựa vào đồng minh của Hoa Kỳ
Đi sâu hơn vào chính sách Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, một quan
chức ngoại giao Mỹ cho biết, Washington dựa vào các đồng minh truyền
thống như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan, Úc, Hàn Quốc.
Bên cạnh vấn đề chiến lược, chính sách Châu Á Thái Bình Dương còn
nhắm đến lợi ích kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ đang nhiều
khó khăn. L’Humanité dẫn lời của một quan chức ngoại giao Hoa Kỳ khẳng
định tầm quan trọng về kinh tế của khu vực này. Quan chức trên nói rõ,
mỗi năm, Hoa Kỳ xuất khẩu đến 300 tỷ đô la hàng hóa đến các nước trong
khu vực. Ngoài ra, khu vực này cũng là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu
tư Mỹ. Bởi vậy, duy trì sự ổn định của khu vực cũng là để đảm bảo cho sự
thịnh vượng của Mỹ.
Để thực hiện chiến lược kinh tế của mình, Hoa Kỳ đã tập trung vào đàm
phán Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương để thiết lập khu vực tự do
mậu dịch tại đây. Nên nhớ rằng, khu vực nằm trong phạm vi đàm phán của
hiệp ước nói trên chiếm đến 35% GDP thế giới trong khi Liên Hiệp Châu Âu
chỉ chiếm có 26%. Điều đáng chú ý là hiệp ước này lại loại trừ Trung
Quốc. L’Humanité nhận định, thật không có gì rõ ràng hơn về chính sách
bao vây Trung Quốc của Mỹ.
Ai dám chọc giận Trung Quốc ?
Nhìn về Trung Quốc, L’Humanité cho biết, Đại hội 18 vừa rồi của đảng
Cộng sản Trung Quốc cũng đã đặt mục tiêu là phát triển hạm đội hàng
không mẫu hạm, xây dựng nhiều căn cứ không quân trên biển và tăng cường
khả năng sản xuất vũ khí. Với mục tiêu là duy trì ảnh hưởng của Trung
Quốc ở những vùng nước lân cận và tăng cường ảnh hưởng ở những eo biển
hiện đang do quân đội Hoa Kỳ kiểm soát. Một quan chức quân sự Mỹ nhận
định: « Mỹ muốn tăng cường hiện diện tại Châu Á Thái Bình Dương…Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc chính là câu đáp trả
». Tờ báo cho biết, những kế hoạch quân sự khác nữa có thể sẽ được ra
đời trong cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc vào đầu năm tới.
Tờ báo cũng khẳng định sức mạnh kinh tế của Trung Quốc trong khu vực :
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của các nước lân cận, và thị
trường xuất khẩu này đã góp phần giúp các nước thoát khủng hoảng vừa
qua. Tờ báo nhận định, nếu « sự thống trị » của Trung Quốc trong khu vực có thể gây khó chịu cho nước khác, thì « sự thống trị » này lại là điều không thể nào phủ nhận được và « không một nước nào thật sự dám biến Trung Quốc thành kẻ thù ».
Chưa hết, từ tháng 6 rồi, Nhật Bản và Trung Quốc tiến hành trao đổi
mậu dịch bằng đồng nội tệ chứ không thông qua đô la Mỹ. Trung Quốc và
Nhật Bản đang giữ vị trí số 2 và 3 trong kinh tế thế giới. Nếu hai nước
này bắt tay nhau về chính sách tiền tệ, thì các nước khác trong khu vực
đương nhiên sẽ bị cuốn theo, và tất nhiên sẽ bất lợi cho Hoa Kỳ.
L’Humanité cho rằng, hiện tại cả Trung Quốc và Nhật Bản điều không muốn
làm căng thẳng hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư bởi « ích lợi kinh tế là rất quan trọng ».
Nhật Bản : Chính phủ diều hâu ?
Bàn riêng về Nhật Bản, L’Humanité có bài « Một chính khách diều hâu trở lại lãnh đạo nước Nhật ».
Tờ báo dùng từ « diều hâu » để chỉ ông Shinzo Abe, người vừa
chính thức trở thành thủ tướng Nhật Bản vào hôm qua sau khi được Hạ
viện phê chuẩn với 328 phiếu thuận trên tổng số 478 số phiếu. Thắng lợi
này của ông Abe khá dễ dàng, bởi vì trước đó đảng Tự do-Dân chủ (PLD)
của ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội.
Tuy nhiên, tờ báo nhận định, những khó khăn to lớn đang chờ ông Abe.
Khó khăn thứ nhất, đó là sự bất ổn chính trị tại Nhật Bản. Ông Abe là
thủ tướng thứ bảy của Nhật Bản trong vòng bảy năm qua. PLD lãnh đạo Nhật
Bản từ năm 1955 đến 2009 rồi nhường chỗ cho đảng Dân chủ Nhật Bản của
thủ tướng mãn nhiệm Yoshihiko Noda. Giờ đây, PLD được người dân lựa chọn
trở lại, nhưng cuộc bầu cử vừa rồi lại có gần 40% cử tri vắng mặt, tức
mức kỉ lục tại Nhật Bản.
Một hồ sơ khác, đó là tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông Abe là người có đường lối mà theo L’Humanité là « chủ nghĩa dân tộc cực đoan ».
Ông muốn tìm lại sức mạnh quân sự của Nhật Bản trước kia. Trong đợt
tranh cử vừa rồi, ông Abe cũng đã có một chiến dịch tranh cử « chủ nghĩa dân tộc cực đoan ». Ông đề nghị sửa Hiến pháp chủ hòa, cụ thể là ông đề nghị biến quân đội Nhật Bản từ « quân đội phòng thủ » sang « quân đội bình thường », tức bình thường như tất cả các nước khác, để có thể triển khai tham chiến khi cần thiết.
Đặc biệt, tờ báo cho hay, ông Abe muốn phủ nhận sự thật lịch sử về sự
tàn bạo của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản năm xưa đối với các nước bị
Nhật xâm lược như Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Thủ tướng Abe muốn tái lập chế độ quân phiệt ?
Cũng bàn về sự kiện nhân vật « diều hâu » Shinzo Abe trở lại nắm quyền, báo Libération đăng bài nhận định : « Nhật bản giữa chủ nghĩa dân tộc lệch hướng và chiến tranh kí ức ».
« Chủ nghĩa dân tộc lệch hướng » theo Libération, chính là
việc nhiều chính khách, trong đó có ông Abe, muốn phủ nhận sự thật lịch
sử về chế độ quân phiệt Nhật Bản trước kia bằng cách « điều khiển kí ức
» qua việc đến thăm đền thờ có chứa tội phạm chiến tranh Yasukuni, hay
việc sửa lịch sử theo hướng sai sự thật trong sách giáo khoa dạy cho thế
hệ trẻ Nhật Bản. Tờ báo nhận định, sự điều khiển kí ức này có nguy cơ
khiến chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản bị chệch hướng, tức việc tuổi trẻ Nhật
yêu nước quá đà theo kiểu phát xít.
Về việc ông Abe và đảng của ông trở lại nắm quyền, Libération cho
rằng, sự trở lại của phe bảo thủ này và tình trạng bùng lên của chủ
nghĩa dân tộc tại Nhật Bản có thể sẽ làm phát sinh những quan ngại và
tranh cãi trong những tháng tới, bởi vì chính sách của họ chỉ làm gia
tăng căng thẳng giữa một bên là Nhật Bản muốn phủ nhận quá khứ và một
bên là các nước từng là nạn nhân và muốn duy trì sự thật lịch sử.
Hàn Quốc : Các đại tập đoàn trong tầm ngắm của tân tổng thống ?
Nhìn về Hàn Quốc, nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro cho hay : « Nữ tổng thống tân cử tấn công các đại tập đoàn ».
« Hãy suy nghĩ hai lần trước khi quyết định sa thải », « tất
cả những đại tập đoàn này phải thay đổi. Tôi cho rằng, mục tiêu của họ
không nên chỉ nhắm đến lợi nhuận, mà họ phải biết đóng góp cho sự phát
triển chung của đất nước », « Tôi đề nghị quí vị làm hết sức mình để cứu lấy việc làm của những người lao động cho quí vị ».
Trên đây là những kêu gọi dành cho các đại doanh nghiệp, thể hiện
thái độ ủng hộ tầng lớp bình dân của bà Park Geun-hye, tổng thống tân cử
và là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Dù rằng đến tháng 1 năm 2013
bà mới chính thức nhậm chức, nhưng những lời nói trên cho thấy bước đi
sắp tới của bà.
Le Figaro cho rằng, lập trường nói trên của bà tổng thống tân cử là
đáng ngạc nhiên. Vì cha bà là ông Park Chung-he, người từng lãnh đạo Hàn
Quốc trong những năm 1960-1970, người mở đường cho tiến trình công
nghiệp hóa tại Hàn Quốc, người được cho là có lập trường bảo vệ các đại
tập đoàn theo kiểu gia đình như Hyundai, Samsung, SK, Posco hay LG. Năm
tập đoàn này đóng góp đến phân nửa GDP của Hàn Quốc.
Bàn về kinh tế Hàn Quốc hiện tại, Le Figaro cho hay, tăng trưởng nước
này trong quí rồi chỉ đạt 0,1%, tức thấp nhất kể từ ba năm nay. Các chủ
doanh nghiệp đang bị mất lòng tin. Các ngân hàng Hàn Quốc chỉ cho các
công ty vừa và nhỏ vay có 38,6 tỷ đô la trong giai đoạn 2009-2012, trong
khi giai đoạn 2006-2008 con số này lên đến 112 tỷ đô la. Các tập đoàn
cỡ lớn của Hàn Quốc thường bị chỉ trích là thiếu minh bạch. Mới tuần này
thôi, các công ty điện thoại di động như SK, LG hay KT đã bị phạt đến
gần 10 triệu đô la do cố tình dùng chiêu bài câu khách không hợp pháp.
Trong bối cảnh đó, le Figaro nhận định, động thái trên của bà Park Geun-hye có mục đích là « tạo dựng một hình ảnh xã hội trong một đất nước mà bất bình đẳng ngày càng trầm trọng ».
Đức đã tự do tham chiến ?
Quá khứ quân phiệt của Đức dường như đã qua đi khi mà từ gần 20 năm
nay, nước này không ngừng gửi quân nhân đến nhiều mặt trận trên thế
giới. Nhật báo Le Figaro có bài phản ánh sự việc này với dòng tựa: « Chiến tranh không còn là một điều cấm kị đối với Đức ».
Tờ báo cho biết, Quốc hội Đức hồi tháng này đã bật đèn xanh cho việc
Đức can dự vào cuộc chiến Syria bằng cách tham gia vào việc lấp đặt hệ
thống phòng thủ tên lửa Patriot trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kì để đề phòng tên
lửa đến từ Syria. Ngoài 400 người được cử đến Thổ Nhĩ Kì, sắp tới Đức
cũng sẽ cử lính đến hỗ trợ quân đội Mali trong cuộc xung đột ở nước này.
Nhìn trên tổng thể, tờ báo cho biết, tính đến giữa tháng 12 năm 2012,
Đức có 6 108 quân nhân tham gia ở 11 sứ mệnh nhân đạo hoặc tác chiến
trên thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas Bazière không ngại tuyên bố tham vọng của Đức khi nói: « Sự
ảnh hưởng của chúng ta trên phạm vi quốc tế chỉ có thể lớn mạnh lên khi
mà Đức tham gia vào các hồ sơ gai góc có liên quan đến chiến lược toàn
cầu, như tài chính hay an ninh chẳng hạn ».
Tờ báo nhận định, vượt qua quá khứ quân phiệt ngày trước, nước Đức đã
dần dần thoát khỏi tội lỗi đã gây ra trong lịch sử và đã biến quân đội
thành « cánh tay võ trang » của ngành ngoại giao và kinh tế quốc gia.
Các nước tân hưng đua nhau làm tàu cao tốc (TGV)
« Các nước mới trỗi dậy, thiên đường của ngành xe lửa cao tốc
», đó là tựa đề bài nhận định đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos bàn
về sự phát triển các tuyến đường sắt cao tốc ở những quốc gia mới phát
triển.
Dẫn đầu phong trào này có lẽ là Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2007, đến
hiện tại, hệ thống đường sắt cao tốc của nước này đã lên đến hơn 9 000
km, tức dài nhất thế giới, và dự định sẽ đạt đến 16 000 km trong năm
2020.
Tờ báo cho biết, vào năm 2011, Ả Rập Xê Út cũng đã khởi động dự án
đường sắt cao tốc dài 450 km đi qua vùng thánh địa Mecca. Sắp tới Braxin
sẽ mời thầu một tuyến đường cao tốc dài 510 km nối liền Rio và São
Paulo. Về phần mình, Nga cũng đang suy tính tuyến cao tốc dài 660km đi
từ Matxcơva đến Saint-Pétersbourg. Maroc thì đã khởi công xây dựng tuyến
cao tốc dài 350 km đi từ Tanger đến Casablanca. Một tuyến cao tốc dài
530 km cũng đang được xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Les Echos đánh giá, những dự án cao tốc sẽ được theo đuổi ở nhiều
nước khác nữa. Như Việt Nam chẳng hạn, với tuyến đường dài đến 1 200 cây
số từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh vị thế có nhiều thành
phố ven biển. Braxin cũng sẽ phát triển thêm tuyến cao tốc ven biển bên
cạnh tuyến Rio-São Paulo nói trên. Ấn Độ hiện đang thương thảo để xây
dựng đường sắt cao tốc.
Như vậy, các nước mới nổi sắp tới sẽ là thiên đường của ngành đường
sắt cao tốc, bởi vì ở những nước này, đang diễn ra làn sóng đô thị hóa
và hiện đại hóa rất nhanh, đang cần gấp một hệ thống cơ sở hạ tầng thích
ứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét