RFI Điểm
Báo Thứ bảy 26 Tháng Giêng 2013
- Trung Quốc phơi bày tệ nạn tham nhũng
- Trung Quốc phê bình đàn em Bình Nhưỡng
- Thái Lan bị đả kích về tội khi quân
- Hôn nhân cho mọi giới : Pháp đã chậm mà lại còn chần chờ
Thứ bảy
26 Tháng Giêng 2013
Trung
Quốc phơi bày tệ nạn tham nhũng
Tuy không chiếm lĩnh trang nhất, nhưng cuộc chiến chống tham
nhũng tại Trung Quốc vừa được tân lãnh đạo Trung Quốc hô hào đã thu hút
sự chú ý của nhật báo Pháp Libération số ra ngày hôm nay, 26/01/2013.
Trên trang thế giới, thông tín viên Philippe Grangereau của Libération
tại Bắc Kinh đã ghi nhận sự kiện được tác giả nêu bật thành tựa : «
Trung Quốc đang phơi bày nạn tham nhũng ».
Nhân vật số 1 Trung Quốc, ông Tập
Cận Bình (REUTERS /Carlos Barria)
|
Mở đầu bài viết, tác giả ghi nhận là từ khi nhân vật số 1 Trung
Quốc, Tập Cận Bình thông báo mở chiến dịch bài trừ tham nhũng, nhắm vào
từ "ruồi muỗi" (tức là cấp thấp), cho đến "hổ báo" (tức là cấp cao)
trong chính quyền, thì báo giới và cư dân mạng Trung Quốc đã hân hoan
tiết lộ hàng loat vụ tai tiếng tài chính, tình dục, chuyện nào chuyện
nấy đều rất kinh hãi, động trời.
Tác giả bài báo cũng ngạc nhiên là thường khi những chủ đề nhạy cảm
này bị kiểm duyệt nghiêm mật, nhưng lần này các nhà kiểm duyệt lại tỏ ra
rất kín đáo cho nên các van như được mở rộng. Thông tín viên Libération
đã liệt kê những vụ đã đọc được :
Một viên chức cõ thấp tại tỉnh Hồ Nam, đã cho cô con gái của mình một
khoản quà sinh nhật tương đương với 25.000 euro. Nhân vật này đã bị bắt
với khoản tài sản độ chừng 15 triệu euro. Còn một bí thư đảng ủy ở tỉnh
Vân Nam, nghiện thuốc phiện, cũng đã bị bắt. Tài sản của nhân vật này
không nhỏ, nắm trong tay 19 cơ sở địa ốc, trong đó có 6 cơ sở tọa lạc
tại Úc.
Phụ nữ Trung Quốc cũng không vừa, như bà Trương Yến (Zhang Yan),
thanh tra ở Tứ Xuyên, thuộc Ủy ban Kỷ luật của đảng, phụ trách trừng trị
tham nhũng. Bà bị tố cáo trên mạng và cũng vừa bị bắt. Nhân vật này có
11 ngôi nhà và nhiều thẻ căn cước. Một phụ nữ khác, phó giám đốc một
ngân hàng nông thôn, có một tài sản kếch xù không rõ xuất xứ : 120 triệu
euro.
Bên cạnh đó những vụ lạm quyền, sử dụng công quỹ chi tiêu cho chuyện
riêng tư cũng được phơi bày hàng loạt, như vụ một viên chức ở Tứ Xuyên
bị phạt vì lấy tiền nhà nước lo cho 4 bà vợ, hay viên chức lãnh đạo cảnh
sát một thành phố ở Tân Cương, đưa vào cơ quan mình hai cô bồ là chị em
song sinh và lấy công quỹ trả tiền nhà cho các cô.
Bài báo còn trích dẫn những vụ bắt bí, quan hệ tình dục để mua chuộc
giữa các công ty và giới chức nhà nước, như vụ đã được truyền khắp trên
mạng, cho thấy cảnh một viên chức độ tuổi 60-70, ở Trùng Khánh, trong
một tư thế ‘tế nhị’ với một cô gái 18 tuổi trong một căn phòng khách
sạn. Nhân vật tên Lôi Chánh Phú (Lei Zhengfu), đã được mọi người nhận
diện rất nhanh chóng.
Một nhà báo tìm hiểu vụ việc, cho biết là nhân vật này được giao phó
nhiệm vụ ký hợp đồng xây dựng với các công ty. Chính cô gái đã kín đáo
quay cảnh này cho một công ty xây dựng, với mục tiêu bắt bí viên chức,
để buộc ký hợp đồng. Một nhân viên công ty trên giải thích : đây là một
cách làm thông dụng, và có 4 viên chức khác ở Trùng Khánh đã lâm vào
trường hợp này vì đã đòi hối lộ quá cao.
Để kết luận, tác giả bài báo nhắc lại nhận định của ông Tập Cận Bình
lúc phát động chiến dịch : « Loài sâu bọ chỉ xuất hiện trên một cơ thể
đã ở trong trạng thái thối rữa ».
Trung Quốc phê bình đàn em Bình Nhưỡng
Le Figaro cũng nhìn sang Trung Quốc nhưng trên bình diện đối ngoại,
với tựa đề ở trang Quốc tế : « Hạt nhân : Trung Quốc quở trách đồng minh
Bắc Triều Tiên ». Tờ báo nhắc lại việc Bắc Kinh dọa giảm trợ giúp kinh
tế nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa, thử nghiệm hạt nhân, như tờ
Hoàn cầu Thời báo đã loan tải.
Tác giả mở đầu bài viết với nhận xét hóm hỉnh, Bình Nhưỡng bị người
anh Trung Quốc đánh vào tay. Ý muốn có vũ khí hạt nhân của người đồng
minh lâu đời này đang làm Bắc Kinh ngày thêm bối rối, và đã nói ra một
cách rất thẳng thừng với Bình Nhưỡng.
Bài báo nhắc lại với tư cách người cung cấp năng lượng và đối tác
thương mại hàng đầu của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc được xem là một trong
những quốc gia hiếm hoi có thể ảnh hưởng lên đất nước cổ lỗ này.
Và nếu cho đến nay Bắc Kinh chỉ kêu gọi người láng giềng ngỗ ngịch
của mình là hãy "bình tĩnh, bớt khuấy động, giữ ổn định", thì đây là
lần đầu tiên, Trung Quốc tỏ nỗi bực dọc, lên tiếng đe dọa trên một tờ
báo chinh thức như Hoàn cầu Thời báo.
Thái Lan bị đả kích về tội khi quân
Báo Le Monde hôm nay thì nhìn sang Thái Lan, trở lại bản án 10 năm
tù đối với nhà báo Somyot vừa qua về tội khi quân.Le Monde không tán
đồng bản án, nhấn mạnh trong hàng chú thích : Cộng đồng quốc tế phẫn nộ
trước phán quyết (của toà án) đối với Somyoy Pruksakasemsuk.
Tờ báo nhắc lại việc thứ tư vừa qua, Somyot bị kết án 10 năm tù về
tội khi quân do hai bài đăng trên tạp chí mà ông chủ bút và bị xem là
xúc phạm đến nhà vua, cộng thêm với một năm về một tội danh khác.
Tác giả bài viết trên Le Monde, Bruno Philip, tìm hiểu vụ việc và
bênh vực cho người đồng nghiệp Thái, giải thích rằng Somyot không phải
là tác giả 2 bài viết, mà chính là một người mang tên Jakrapod Penkair,
phát ngôn viên của một chính phủ trước, nhưng toà án vẫn cho là Somyot
có tội vì là chủ bút, chiụ trách nhiệm về tập san.
Bruno Philip còn khẳng định là hai bài báo nói trên không có đoạn
nào thiếu tôn trọng đối với quốc vương Thái, nhưng toà án thì vẫn đánh
giá hai bài viết đã một cách ‘biểu tượng’, tấn công vào nhà vua.
Le Monde nêu lên những yếu tố trong hai bài viết khiến Somyot bị kết
án nặng nề như vậy : bài thứ nhất kể lại câu chuyện được tiểu thuyết hóa
của một nhà vua đã triệt hạ một cách hung bạo người tiền nhiệm của mình
để lên ngôi. Các thẩm phán cho đấy rõ ràng ám chỉ quốc vưong Bhumibol.
Bài thứ hai nói đến hành động của một bóng ma ám ảnh đất nước Thái Lan,
một bóng ma thủ đoạn, lập mưu, chuẩn bị hạ sát những người chống đối
mình. Toà án, theo Le Monde, cho là tác giả đã so sánh bóng ma này với
nhà vua.
Phán quyết đã bị chỉ trích gay gắt, từ Liên Hiệp châu Âu đến các tổ
chức bảo vệ nhân quyền, vì tác hại nặng nề đến quyền tự do ngôn luận,
báo chí ở Thái Lan.
Vấn đề theo Le Monde là luật khi quân, điều 112 trong Hiến pháp Thái
bị lạm dụng để loại các đối thủ chính trị. Những bản án về tội này đã
tăng lên có thể nói là gấp bội kể từ năm 2005. Các vụ xét xử về tội khi
quân còn nhiều hơn là vào thời kỳ chế độ quân chủ chuyên chế ở Thái Lan,
kéo dài đến năm 1932.
Giới trí thức, nhà báo, tổ chức bảo vệ nhân quyền, luật gia Thái đều
đề nghị xem xét lại điều luật, đang bị sử dụng như nói trên trong các
cuộc thanh toán chính trị.
Trong trường hợp Somyot Le Monde nhìn thấy có một sự trớ trêu : ông
là một người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin, người anh của đương kim thủ
tướng Yingluck, nhưng bà Yingluck cũng như đa số dân biểu trong đảng của
bà, không dám lên tiếng cho việc xét lại đạo luật. Nguyên nhân là chính
phủ hiện tại không muốn bị chỉ trích, bị xem là ‘cấu kết với những
người phỉ báng’ nhà vua.
Tác giả bài báo kết luận bi quan, bực tức : Như thế thì các toà án có thể tha hồ kết tội những người ‘khi quân’.
Hôn nhân cho mọi giới : Pháp đã chậm mà lại còn chần chờ
Tít lớn trên báo chí ngày Thứ bảy cuối tuần (26/01/2013) tập trung
vào thời sự nước Pháp nhưng trên những chủ đề khá tản mạn : Le Monde
quan tâm đến sự kiện Pháp buộc mạng vi blog Twitter phải tố cáo những
tác giả kỳ thị chủng tộc, La Croix thì chọn chủ đề nhẹ nhàng, giới thiệu
thành phố Angers, khen ngợi đó là « Thành phố Xanh » trong hàng tít mở
đầu bản tin của mình, trong lúc Le Figaro la hoảng trước tình trạng thất
nghiệp của Pháp trong năm 2012 : « đạt mức lịch sử ».
Libération cũng chú ý đến mặt xã hội Pháp nhưng về quyền lợi của
người đồng giới tính, nêu bật « sự chậm trễ của Pháp ». Ngày mai, chủ
nhật, những người ủng hộ dự luật hôn nhân cho người đồng giới tính sẽ
xuống đường biểu tình. Ở trang trong Libération khẳng định : « Đám cưới
cho mọi người : Sẽ thành công ».
Tờ báo có vẻ bực mình, nêu trong một tựa lớn là Pháp đang tông vào những cánh cửa đã được mở cách đây 10 năm.
Ngay từ năm 2001, Hà Lan đã cho phép hôn nhân giữa những người đồng
giới tính, vương quốc Bỉ là vùng đất đón tiếp những cặp phụ nữ muốn có
con, và hàng năm, bệnh viện Erasme ở Bruxelles, đón nhận cả trăm phụ nữ
Pháp.
Còn tại Tây Ban Nha, nếu cuộc tranh cãi đã diễn ra gay gắt vào năm
2005, thì giờ đây, khi chính quyền cánh hữu trở lại nắm quyền, không còn
nhắc đến việc bãi bỏ hôn nhân giữa người đồng tính cũng như vấn đề họ
nhận con nuôi.
Libération trở lại sự kiện vào tháng 7/2005, thời thủ tướng cánh tả
Zapatero, Quốc hội Tây Ban Nha thông qua luật về hôn nhân này, đã bị lên
án dữ dội. Giáo hội và người Công giáo cho đấy là một cuộc khủng bố
chống lại gia đình truyền thống. Một tháng trước đó, thì cà triệu người
biểu tình ở Madrid phản đối luật hôn nhân mới. Bây giờ thì rất ít ai đặt
lại vấn đề.
Le Figaro trên chủ đề này thì chú ý đến sự kiện tổng thống François
Hollande cuối cùng đã tiếp những người chống đối dự luật hôn nhân mà
chính phủ đề xuất. Tờ báo cũng nhìn sang nước khác, nhận thấy trong lúc
chính phủ Pháp cổ vũ cho việc mở rộng quyèn cho người đồng tính thì tại
Nga chặng hạn, có xu hướng ngược lại, và « Matxcơva đang tiến hành thánh
chiến chống trạng thái đồng tính », tựa bài báo trang Quốc tế.
Hạ viện Nga theo Le Figaro, vừa thông qua sơ bộ một văn kiện cấm
‘tuyên truyền’ cho giới ‘gay’. Hiện nay theo bài báo còn có đến 66%
người Nga không chấp nhận người đồng tính. Chinh thống giáo Nga xem đó
là một tệ nạn không khác gì nghiện rượu, ma túy, mãi dâm. Hiện nay 9
vùng ở Nga đã có đạo luật nghiêm khắc đối với việc phô trương, biểu hiện
sự đồng tính, và trong đó có cả thành phố Saint Petersburg đưọc đánh
giá trí thức, cởi mở. Nhưng đến nay, ở cấp Liên Bang, viện Douma vẫn
chưa thông qua được một luật nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét