RFI Điểm Báo Thứ hai 25 Tháng Hai 2013
- Pháp chuẩn bị tăng hàng loạt thuế
- Cái bẫy thất nghiệp
- Bầu cử Ý, cuộc trắc nghiệm đối với chính sách khắc khổ của châu Âu
- Gió lớn sắp nổi lên ở Ấn Độ Dương ?
- Thái Lan, ảnh hưởng của phe « Áo Đỏ »
Thứ
hai 25 Tháng Hai 2013
Pháp
chuẩn bị tăng hàng loạt thuế
Bầu cử Quốc hội Ý, tình cảnh kinh tế khó khăn của khu vực
đồng tiền chung châu Âu, nước Pháp trước viễn cảnh thắt lưng buộc bụng
chính phủ chuẩn bị tăng thuế. Đó là những đề tài nổi bật trên các tờ báo Paris ngày đầu tuần.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đến dự
cuộc họp với nội các bàn về đầu tư tại điện Elysée ngày 20/02/2013.
REUTERS/Eric Feferberg/Pool
|
Báo kinh tế Les Echos ngay trên trang nhất cảnh báo « hàng loạt
các biện pháp tăng thuế không thể tránh khỏi » bởi vì nếu chính phủ
không tăng thuế và không chịu khó tiết kiệm thì chi tiêu công cộng của
nhà nước Pháp sẽ tăng tới mức chưa từng thấy là 57 % tổng sản phẩm nội
địa. Ở đây Les Echos không quên nhắc lại là ông François Hollande trong
đợt vận động tranh cử từng cam kết với cử tri là sẽ không tăng thêm
thuế.
Le Figaro thiên hữu liệt kê ra hàng loạt các kế hoạch tăng thuế mà
chính quyền cánh tả đang hướng tới và không quên nhấn mạnh : « trong một
số trường hợp chính phủ có thể tăng thuế đến 100 % ».
Tờ báo thiên tả Libération cũng không che giấu thất vọng khi cho rằng
« Tổng thống Hollande sẽ duy trì mục tiêu giảm bội chi ngân sách, bất
chấp rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và lao động ».
Libération nhắc lại : từ tháng 9 năm ngoái, đã có hơn 3 triệu người
thất nghiệp ở Pháp ; 10,6 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm
và tỉ lệ thất nghiệp ấy sẽ còn tăng lên thành 11 % vào năm nay. Tổng
thống François Hollande đã từng nhìn nhận « đẩy lùi thất nghiệp phải là
ưu tiên hàng đầu của chính phủ (…) toàn dân phải đóng góp vì mục tiêu
đó, tránh để xảy ra những rạn nứt trong xã hội ».
Lại cũng chính Tổng thống Pháp đã đề ra mục tiêu giảm bội chi ngân
sách xuống còn 3 % vào cuối nhiệm kỳ. Đó là điều cần thiết. Thế nhưng
ông Hollande từng khẳng định là trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chính
phủ không dự trù bắt người dân phải hy sinh thêm nữa trong tài khóa
2013. Nhưng điều khó hiểu là cũng chính ông Hollande lại tuyên bố sẽ «
cắt giảm hàng loạt các khoản chi tiêu ở cấp nhà nước ở cấp địa phương,
giảm ngân sách của sở an sinh xã hội » vào năm 2014, bởi vì « quản lý
chặt chẽ ngân sách sẽ cho phép đem lại tăng trưởng ». Đây là điều mà
Libération coi là « còn phải được kiểm chứng ».
Nói cách khác, tác giả bài viết không tin rằng đường lối kinh tế do
Bruxelles áp đặt là thượng sách, bởi vì chính sách khắc khổ sẽ không đem
lại tăng trưởng và việc làm cho người dân.
Cái bẫy thất nghiệp
Về vấn đề việc làm, phụ trang kinh tế của báo Le Figaro nhận thấy «
chính phủ bị gài bẫy vì vấn đề thất nghiệp » : số người không có việc
làm ở Pháp đạt kỷ lục cao nhất kể từ 16 năm trở lại đây. Tờ báo nêu ra
ba lý do giải thích vì sao đội ngũ những người không có việc làm cứ lớn
dần.
Một là do tác động của khủng hoảng trong khối euro, từ một năm qua
mỗi tháng lại có thêm 25.000 người bị mất việc. Lý do thứ hai là hàng
năm vào tháng 2, cơ quan tìm việc làm Pôle Emploi của Pháp luôn điều
chỉnh lại các thống kê và thường thì số người thất nghiệp thực sự bao
giờ cũng cao hơn so với các dự báo đã được công bố trong năm. Cuối cùng,
không cần phải là một chuyên gia, ai cũng có thể trông thấy rằng khi
kinh tế đi xuống, thì các doanh nghiệp phải sa thải nhân viên. Tờ báo
kết luận : mục tiêu đảo ngược tình huống trên thị trường lao động vào
cuối năm nay – tức là cải thiện thị trường lao động Pháp - đã được Tổng
thống François Hollande đề ra sẽ khó có thể thực hiện !
Les Echos trong bài xã luận không khoan nhượng : mùa thu năm ngoái
Tổng thống Pháp đã đưa ra ba điều cam kết. Đó là giảm bội chi ngân sách
xuống còn 3% GDP vào cuối năm 2013, giảm chi tiêu của các chính quyền và
cơ quan cấp địa phương và chính phủ sẽ không tăng thêm thuế. Ba biện
pháp đó theo ông Hollande cho phép kinh tế Pháp vươn dậy và nhờ đó đẩy
lui thất nghiệp.
Bước sang đầu năm nay, cả ba cam kết trên đều đã tan thành mây khói :
số người bị sa thải thì vẫn tăng đều đặn hàng tháng ; tăng trưởng kinh
tế của Pháp trong năm nay sẽ là số không ; chủ nhân điện Elysée không
còn loại trừ khả năng tăng thuế để giữ uy tín với Ủy ban châu Âu.
Trở lại với câu hỏi là nếu như chính quyền Pháp muốn giảm thâm hụt
ngân sách nhà nước xuống còn 3 % theo như quy định của khối euro, thì
Paris phải tiết kiệm thêm bao nhiêu ? Câu trả lời được tờ Les Echos đưa
ra là 20 tỉ euro, nếu như vào năm 2014 tăng trưởng kinh tế Pháp sẽ là
1,2 % như dự phóng của Ủy ban châu Âu. Cụ thể hơn là là chính phủ sẽ
phải giảm ít nhất là 4 tỉ trong các khoản chi tiêu công cộng và tăng 16
tỉ tiền thuế thu vào. Bài báo của Les Echos như một lời cảnh cáo đối với
người tiêu dùng và tư nhân rằng hãy nên chuẩn bị tiền để nạp thuế cho
nhà nước
Bầu cử Ý, cuộc trắc nghiệm đối với chính sách khắc khổ của châu Âu
Đề tài thứ nhì thu hút chú ý của các tờ báo Pháp hôm nay liên quan
đến bầu cử Quốc hội Ý. Les Echos chạy tựu trên trang nhất : « một cuộc
trắc nghiệm mới đối với chính sách khắc khổ của châu Âu » do có nhiều
khả năng một làn sóng bài châu Âu và bài các biện pháp khắc khổ kinh tế
sẽ dấy lên ở Ý. Le Figaro chú ý đến một khía cạnh khác : giới trẻ ở Ý
tẩy chay các phòng phiếu.
Ở bên kia dãy núi Alpes 35 % thanh niên không có việc làm và số đó
không chờ đợi phép mầu nào từ chính quyền sắp sửa được bầu ra. Lý do đưa
ra rất đơn giản : thanh niên Ý cho rằng không một đảng phái chính trị
nào có thể đưa kinh tế Ý thoát khỏi đường hầm. Số sinh viên Ý vừa tốt
nghiệp, ra nước ngoài kiếm sống đã được nhân lên gấp ba trong 10 năm qua
và chỉ riêng năm ngoái đã có 10.600 thanh niên vừa tốt nghiệp đã ký hợp
đồng với các hãng của Anh, Đức Pháp hay Thụy Sĩ. Hiện tượng chảy máu
chất xám nói trên bắt đầu gây khó khăn cho Ý khi biết rằng trung bình,
phí tổn để nuôi một sinh viên đại học cho đến ngày tốt nghiệp là 124.000
euro.
Le Monde trong phần phụ trang Địa &Chính trị không quên nhìn lại
15 tháng cầm quyền của nội các Mario Monti : trong vỏn vẹn 15 tháng nhà
kỹ trị này đã tô điểm lại hình ảnh và uy tín của nước Ý trong mắt các
nhà đầu tư và của các thị trường tài chính quốc tế. Nhưng nước Ý vẫn
chưa thoát khỏi khủng hoảng và ít có khả năng ông tiếp tục giữ được chức
vụ Thủ tướng. Vậy đâu là những nhược điểm của ông Monti ?
Thông tín viên Le Monde mổ xẻ : thứ nhất là chuyên gia kinh tế người Ý
này đã sai lầm khi quyết định ra tranh cử và chiến dịch vận động của
ông đã có nhiều sơ hở ngay từ đầu. Thứ hai là đối với công luận Ý, Mario
Monti là ông thầy thuốc đã kê một toa thuốc quá đắng.
Cụ thể là Thủ tướng mãn nhiệm đã thông qua một kế hoạch khắc khổ và
nếu tính luôn cả kế hoạch cắt giảm chi tiêu đã được người tiền nhiệm của
ông là Sylvio Berlusconi phê chuẩn thì tổng cộng người dân Ý phải lãnh
lấy gánh nặng 300 tỉ euro trong thời gian 2010-2014.
Những viên thuốc đắng đó khó nuốt trôi khi biết rằng hiện có tới 11 %
dân số Ý trong tuổi lao động không có việc làm và chỉ nội năm 2012 đã
có tới hơn 100.000 doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ phải đóng cửa ngưng hoạt
động.
Gió lớn sắp nổi lên ở Ấn Độ Dương ?
Rời khỏi châu Âu để nhìn đến phần còn lại của thời sự quốc tế. Vẫn
phụ trang Địa&Chính trị của Le Monde quan tâm đến châu Á. Theo thông
tín viên Frédéric Bobin Ấn Độ và Trung Quốc đang đọ sức với nhau tại Ấn
Độ Dương : New Delhi lâu nay vẫn coi đây là sân sau của mình, hiềm nỗi
Trung Quốc ngày càng nhòm ngó đến vùng biển này, nơi cũng là con đường
hàng hải trọng yếu.
Một số nước nhỏ trong vùng Ấn Độ Dương mở rộng cửa đón Trung Quốc như
muốn để làm đối trọng với tầm ảnh hưởng của New Delhi. Để trả đũa Bắc
Kinh, Ấn Độ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vùng Biển Đông và Biển
Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyển biển đảo một số quốc
gia –chẳng hạn như Việt Nam hay Nhật Bản.
Sự đối đầu giữa một con rồng Trung Quốc với con voi Ấn Độ thật ra đã
bắt đầu dấy lên từ khoảng một chục năm nay nhưng theo Le Monde, những sự
va chạm giữa hai ông khổng lồ châu Á này ngày càng thường xuyên xảy ra
hơn và tác giả bài báo nêu lên câu hỏi « liệu có còn kịp thời ngăn một
cơn giông lớn nổi lên tại Ấn Độ Dương hay không ? »
Thái Lan, ảnh hưởng của phe « Áo Đỏ »
Ngày 03/03/2013 tới cử tri Bangkok sẽ bầu lại người lãnh đạo vùng
Bangkok. Hai ứng cử viên ra tranh chức vụ « tổng trấn Bangkok ». Một là
người đương nhiệm, thuộc đảng Dân chủ đối lập và người thứ nhì là ứng cử
viên đại diện cho đảng đang cầm quyền Pheu Thai.
Nhân dịp này Le Monde điểm lại tình hình chính trị và kinh tế của
Thái Lan. Tờ báo coi cuộc bầu cử vào đầu tuần sau sẽ là một bài toán
trắc nghiệm về uy tín của phe Áo Đỏ ủng hộ Thủ tướng bị lật đổ Thaksin.
Theo thăm dò mới nhất thì ứng cử viên của đảng đang cầm quyết có nhiều
triển vọng đắc cử. Bản thân nữ Thủ tướng Yingluck luôn bị coi là một con
rối trong tay cựu Thủ tướng Thaksin người anh ruột của bà. Tuy nhiên
theo tác giả bài báo, vấn đề cơ bản của Thái Lan hiện nay là « tiến
trình hòa giải » giữa phe ủng hộ và chống Thaksin vẫn hãy còn là một
viễn cảnh xa vời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét