RFI Điểm
Báo Thứ năm 25 Tháng Tư 2013
- Pháp ưu tiên quan hệ kinh tế với Trung Quốc
- Lợi ích kinh tế lấn lướt hồ sơ nhân quyền
- Trung Quốc nhức đầu, Asean sổ mũi ?
- Tranh chấp Trung-Nhật lại nổi sóng
- Ấn Độ lại bị sốc bởi hiếp dâm
- H7N9 là vi rút cúm nguy hiểm nhất trong hiện tại
- Hàn Quốc ngày càng thu hút sinh viên Pháp
Thứ năm 25
Tháng Tư 2013
Pháp ưu
tiên quan hệ kinh tế với Trung Quốc
Thời sự Châu Á chiếm ưu tiên trên các báo Pháp hôm nay. Trong
đó, các tờ báo chú ý đến chuyến công du Trung Quốc trong hai ngày của
tổng thống Pháp François Hollande. Báo chí Pháp nhận định chung rằng :
Dưới sức ép kinh tế, tổng thống Hollande sẽ ưu tiên cho các hồ sơ kinh
tế hơn là các vấn đề nhân quyền đang nổi cộm tại Trung Quốc.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch
Tập Cận Bình chủ trì lễ ký kết thỏa thuận hợp tác song phương (REUTERS /Y. Mizuno)
|
Nhật báo cánh tả Pháp Libération đăng trên trang nhất bức ảnh
nhà đấu tranh dân chủ-nghệ sĩ Ngãi Vị Vị cùng với dòng tựa lớn : « Nhân
quyền tại Trung Quốc, sự im lặng của ông Hollande ». Nhật báo cánh hữu
Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : «Tổng thống khám phá thị trường
Trung Quốc ».
Báo kinh tế Les Echos cũng dành trang nhất cho dòng tựa : « Pháp tìm
kiếm thị trường ở Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng ». Nhật báo Le
Monde thì đăng trên trang nhất một bài xã luận cùng với một bài nhận
định mang tên : « Paris bối rối về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc».
Chuyến công du Trung Quốc của tổng pháp Hollande sẽ diễn ra trong
vòng 37 tiếng đồng hồ, ở Bắc Kinh và sau đó là Thượng Hải. Đây là chuyến
công du Trung Quốc đầu tiên của ông Hollande trên cương vị tổng thống
và cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời ông đặt chân đến đất nước này.
Các tờ báo đều cho biết, tổng thống Hollande trước khi đi không có
tuyên bố chính thức gì, nhưng theo lời của một số cố vấn và những người
thân cận tổng thống thì mục tiêu tối thượng lần này của tổng thống
Hollande là thúc đẩy phát triển kinh tế với Trung Quốc.
Còn vấn đề nhân quyền, thì đây là một vấn đề nhạy cảm, có thể tổng
thống Hollande sẽ không có tuyên bố chính thức vì ngại gây mất lòng Bắc
Kinh, và cũng để tránh tái diễn kịch bản của cựu tổng thống Sarkozy đã
làm Bắc Kinh giận dữ vào năm 2008 khi ông này tiếp kiến đức Đạt Lai Lạt
Ma trên đất Pháp.
Đặt nặng trọng tâm kinh tế, nên lần này phái đoàn của tổng thống
Hollande rất hùng hậu, với 8 bộ trưởng và khoảng 60 doanh nghiệp. Le
Figaro nói rõ, trong chuyến thăm này sẽ có nhiều hợp đồng được ký kết
trong trong các lĩnh vực hạt nhân, năng lượng phi hạt nhân, hàng không,
nông thực phẩm, y tế…
Đi sâu vào quan hệ kinh tế song phương, các tờ báo nói trên cho hay,
Pháp đang chịu mức thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc ở mức 26,4 tỷ euro,
tức chiếm đến 40% tổng thâm hụt mậu dịch của Pháp. Trong khi đó, đầu tư
Trung Quốc tại Pháp còn rất hạn chế chỉ ở mức 700 triệu euro. Dự định,
trong chuyến thăm này, ông Hollande sẽ ra sức kêu gọi đầu tư Trung Quốc
trên đất Pháp.
Các tờ báo cũng đồng loạt nhận định : Pháp đã chậm trễ so với Đức
trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với cường quốc kinh tế thứ hai
trên thế giới. Trong vòng 6 năm qua, thủ tướng Đức Angela Merkel đã có
đến 6 lần công du Trung Quốc, trong đó chỉ hồi năm rồi bà đã có 2 lần
đến đất nước này. Tại Trung Quốc, hiện Pháp chỉ chiếm có 1,27% thị phần
trong khi Đức chiếm 5,33%. Chỉ trong vòng 4 năm, Đức đã giảm thâm hụt
mậu dịch với Trung Quốc từ mức 26 tỷ euro xuống còn 10 tỷ euro.
Lợi ích kinh tế lấn lướt hồ sơ nhân quyền
Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế
giới. Hiện tại, trong khi phương Tây vẫn còn loay hoay trong khủng
hoảng và mong ước đạt được tăng trưởng 2% đã là quá lắm, dù nói rằng
kinh tế Trung Quốc đã phát triển chậm lại nhưng vẫn ở mức trên dưới 8%.
Sức nặng kinh tế của Trung Quốc đã ảnh hưởng tích cực đến hồ sơ ngoại
giao của nước này.
Lần này, tổng thống Hollande sẽ ưu tiên cho kinh tế và sẽ cố gắng
không gây mất lòng Trung Quốc về hồ sơ nhân quyền. Le Figaro còn dẫn lời
một nhà ngoại giao Pháp kêu gọi chính phủ Hollande tranh thủ thời cơ
hâm nóng quan hệ chiến lược với Trung Quốc vì rằng : « Ê kíp lãnh đạo
của ông Tập Cận Bình sẽ còn trụ 10 năm nữa, bởi vậy cần thiết thiết lập
quan hệ tin cậy lẫn nhau ».
Trong khi đó thì nhiều chuyên gia và các tổ chức nhân quyền lại cho
rằng, tổng thống Hollande nên nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm
này. Thậm chí tờ Libération còn đăng bài xã luận nhận định rằng, sẽ là «
sai lầm » nếu ông Hollande nghĩ rằng hồ sơ nhân quyền ảnh hưởng xấu đến
quan hệ kinh tế.
Vì rằng, thủ tướng Đức Merkel đã làm được việc vừa tăng cường quan hệ
kinh tế với Bắc Kinh cũng vừa không ngại nêu chuyện nhân quyền. Hơn
nữa, Pháp cũng phải thể hiện rõ lập trường của mình để giữ uy tín trên
thế giới.
Nhật báo Le Monde còn cho biết, có đến 68% người được thăm dò tại
Pháp cho rằng tổng thống Hollande nên đề cập công khai vấn đề nhân quyền
Trung Quốc với người đồng nhiệm Tập Cận Bình, có đến 92% người được hỏi
cho biết « không hài lòng » về thực trạng nhân quyền tại Trung Quốc.
Trung Quốc nhức đầu, Asean sổ mũi ?
Nhìn về Thượng Đỉnh Asean đang diễn ra tại Brunei, nhật báo Le Figaro
đăng bài : « Asean quan ngại về sự phát triển chậm lại của nền kinh tế
Trung Quốc ».
Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) dự phóng năm 2013, tăng trưởng của khu vực
Asean sẽ là 6%, tuy nhiên sự tăng trưởng này phần lớn phụ thuộc vào xuất
khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ xuất khẩu đã sụt giảm vì đối tác thương mại
lớn nhất của Asean là Trung Quốc đang phát triển chậm lại.
Indonesia lo ngại xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình
kinh tế Trung Quốc. Malaysia cũng lâm cảnh tương tự khi dự phóng xuất
khẩu dầu hỏa, khí đốt và các thiết bị điện vào Trung Quốc sẽ giảm. Nước
này năm rồi tăng trưởng 5,6%, lo ngại năm nay sẽ giảm xuống còn 5%.
Thái Lan cũng gặp khó khăn vì xuất khẩu hàng điện tử và phụ tùng xe
hơi vào Trung Quốc đang trên đà giảm sút. Tăng trưởng của nước này năm
ngoái là 6,4%, còn dự phóng cho năm nay sẽ giảm xuống còn có 5,3% do
xuất khẩu sụt giảm.
Cũng trong hồ sơ Asean-Trung Quốc, Le Figaro có bài cho hay, do mấy
năm nay lương nhân công tại Trung Quốc tăng, nên các nhà đầu tư nước
ngoài, và hiện tại đã có các nhà đầu tư Trung Quốc, đã và đang cuốn gói
khỏi Trung Quốc để tìm đến thị trường nhân công giá rẽ hơn. Điểm mà các
nhà đầu tư này nhắm đến là các nước trong khối Asean, mà đặc biệt là
Việt Nam, Lào và Cam Bốt.
Tranh chấp Trung-Nhật lại nổi sóng
Nhìn sang điểm nóng trên Biển Hoa Đông, nhật báo Le Monde đăng bài : «
Tokyo và Bắc Kinh lại nổi đóa về hồ sơ Senkaku ». Bài viết mở đầu bằng
nhận định: «Trung Quốc không hề có ý buông vũ khí trước Nhật Bản ». Bài
viết đề cập đến việc hôm 23/04 vừa qua, 8 tàu hải giám của Trung Quốc
lại xâm nhập vào khu vực lân cận Senkaku, tức trong vùng lãnh hải mà
Nhật Bản đang kiểm soát còn phía Trung Quốc thì tuyên bố chủ quyền.
Lập tức Tokyo cho triệu mời đại sứ Trung Quốc tới để phản đối, trong
khi đó phía Trung Quốc thì không ngừng lập đi lập lại rằng, các đảo là «
một phần không tách rời của lãnh thổ Trung Quốc » và « các tàu nói trên
chỉ làm nhiệm vụ mà thôi ».
Từ 6 tháng nay, Trung Quốc đã liên tục cho tàu xâm nhập vùng nước
Nhật Bản đang kiểm soát. Le Monde nhận định, Bắc Kinh toan tạo ra một «
hiện trạng mới » đó là : việc tàu Trung Quốc tuần tra trong khu vực là
chuyện bình thường vì đó là lãnh hải của Trung Quốc, đồng thời cũng toan
buộc Nhật Bản thừa nhận rằng : « Đấy là vùng biển tranh chấp », một
điều mà Tokyo luôn phủ nhận.
Căng thẳng giữa hai bên còn bùng lên dữ dội khi mà hôm 20/04 và 21/04
vừa qua nhiều nghị sĩ và quan chức Nhật Bản, trong đó có phó thủ tướng
Taro Aso, đã đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi có thờ 14 tướng lĩnh
Nhật Bản thời quân phiệt bị cho là « Tội phạm chiến tranh ».
Căng thẳng hai bên đang dâng cao. Bắc Kinh tuyên bố không tham dự
thượng đỉnh Trung-Hàn-Nhật được dự định vào tháng 5 tới. Trong khi đó,
thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố trước hạ viện sẽ có « hành động quyết
định » nếu có người Trung Quốc đổ bộ lên Senkaku.
Ấn Độ lại bị sốc bởi hiếp dâm
Hồi cuối năm ngoái, cả Ấn Độ sôi sục vì vụ hiếp dâm tập thể một nữ
sinh trên một xe buýt tại thủ đô New Delhi. Thế rồi, hôm 17 tháng này,
nước này lại căm phẫn bởi vụ một bé gái 5 tuổi bị bắt cóc và hiếp dâm.
Thông tin này được đăng trên nhật báo Le Monde với hàng tựa : «Ấn Độ lại
sốc bởi hiếp dâm ».
Tờ báo cho biết, sau vụ việc, ngày nào ở New Delhi cũng có người
xuống đường biểu tình đòi tử hình các thủ phạm và yêu cầu cảnh sát
trưởng thủ đô phải từ chức. Dưới sức ép quần chúng, chính phủ Ấn Độ đã
trình Quốc hội thông qua hồi tháng 3 một luật mới gia tăng hình phạt đối
với thủ phạm hiếp dâm. Thế nhưng, cho dù có làn sóng phẫn nộ của người
biểu tình hồi cuối năm ngoái, cho dù có biện pháp của chính phủ, hiếp
dâm, nhất là lạm dụng tình dục trẻ em tại Ấn Độ, luôn thường trực.
Theo một nghiên cứu hồi năm 2007 của chính phủ Ấn Độ, thì có đến 53%
trên tổng số 12 500 trẻ em được hỏi cho biết đã là nạn nhân bị lạm dụng
tình dục, trong đó có 20% thuộc dạng « nghiêm trọng ». Thế nhưng, chỉ có
3% trong số đó được báo cho cảnh sát. Báo cáo vừa được công bố hồi đầu
năm của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) khẳng
định : « Lạm dụng tình dục trẻ em tại Ấn Độ là phổ biến nhưng lại bị che
giấu ».
H7N9 là vi rút cúm nguy hiểm nhất trong hiện tại
Trong lĩnh vực y tế, Le Figaro đăng bài cảnh báo : «Vi rút H7N9 nguy
hiểm đối với con người ». H7N9 đã gây bệnh trên 100 người và làm thiệt
mạng trên 20 người tại Trung Quốc. Sau một điều tra thực địa tiến hành 5
ngày tại nước này, hôm qua các chuyên gia đặc phái của Tổ chức Y tế Thế
Giới (WHO) cho biết, vẫn chưa thể xác định chính xác nguồn gốc của vi
rút H7N9.
Thế nhưng, các chuyên gia khẳng định : « H7N9 là chủng vi rút cúm
nguy hiểm nhất mà con người phát hiện đến hiện tại ». Các chuyên gia cho
biết, chưa đủ bằng chứng cho thấy H7N9 có thể lây từ người sang người,
mà chủ yếu là từ gia cầm sang người.
Thế nhưng, còn một điểm chưa rõ là, gần phân nửa bệnh nhân nhiễm H7N9
không hề tiếp xúc gia cầm trước khi bị bệnh. Một nguy hiểm khác của
loại vi rút này mà các chuyên gia cảnh báo, đó là nó có khả năng nằm im
trong cơ thể gia cầm, tức là sau khi xâm nhập vào cơ thể gia cầm, các
gia cầm không hề có biểu hiện bệnh nên gây khó khăn cho công tác kiểm
soát dịch.
Thêm vào đó, các chuyên gia cho biết, có thể H7N9 đang có những đột
biến để tiến đến khả năng người lây sang người, và mỗi lần loại vi rút
lây thêm một người tức là có thêm một cơ hội để đột biến theo hướng đó.
Hàn Quốc ngày càng thu hút sinh viên Pháp
Trong hồ sơ giáo dục, Le Figaro có bài: “Tại các trường đại học,
tiếng Hàn Quốc ngày càng trở nên hấp dẫn ». Tuổi trẻ Pháp ngày càng say
mê học tiếng Hàn, mà nguyên nhân chính thì bên cạnh sự phát triển năng
động của nền kinh tế nước này, tuổi trẻ Pháp bị thu hút bởi nhạc pop
kiểu Hàn, gọi tắt là K-Pop, bởi điệu nhảy Gangnam Style của chàng ca sĩ
Psy, và bởi những thước phim tình cảm của Hàn Quốc.
Tờ báo cho biết, dù rằng ở các trường học tại Pháp, hiện tại tiếng
Hàn vẫn là một ngoại ngữ ít người học, nhưng số người đăng ký học đang
có khuynh hướng tăng mạnh. Có những trường đại học, số học viên tiếng
Hàn tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm qua.
Nguyên nhân tiếng Hàn và văn hóa Hàn bắt đầu chinh phục các nước,
theo Le Monde, đó là kết quả của chính sách quảng bá văn hóa, thúc đẩy
kinh tế và phát triển ngoại giao của Hàn Quốc từ những năm 2000. Tờ báo
cũng chú ý, trong giai đoạn này, Trung Quốc cũng đẩy mạnh con cờ văn hóa
bằng việc tăng cường thành lập các « Viện Khổng Tử » ở khắp nơi trên
thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét