RFI Điểm Báo Thứ bảy 25 Tháng Năm 2013
- Du khách trở thành nạn nhân của sự bất ổn tại Paris
- Hôn nhân đồng tính : phe chống vẫn biểu tình dù luật có hiệu lực
- Bangladesh : thảm cảnh của công nhân sau vụ sập nhà xưởng
- Anh : căng thẳng sắc tộc lại trỗi dậy
- Kỳ thị chủng tộc tại Thụy Điển : dân nhập cư không có tương lai
Thứ
bảy 25 Tháng Năm 2013
Du
khách trở thành nạn nhân của sự bất ổn tại Paris
Từ lâu, nước Pháp là điểm đến số một của du khách nước ngoài.
Thế nhưng, các sự cố bạo động tại Paris nhân chuyện ăn mừng chiến thắng
của đội bóng Paris Saint-Germain gần đây đã làm cho hình ảnh của kinh
đô ánh sáng xấu đi. Hôm nay, báo Le Figaro quan tâm đến chủ đề này qua
bài viết : « Du khách ngày càng trở thành nạn nhân của bất ổn tại Paris
».
Paris đề nghị tăng cường bảo đảm an ninh cho du khách (REUTERS) |
Theo Le Figaro, càng ngày càng có nhiều vụ bạo động, cướp giật
tại Paris, đến nỗi giới chức trách phải gióng lên hồi chuông báo động.
Tình trạng bất ổn tại Paris cũng xuất hiện trên khắp các báo ngoại quốc
và danh tiếng của Pháp không mấy sáng sủa gì trong mắt người nước ngoài.
Tờ báo nhắc lại một số sự cố xảy ra gần đây. Tháng trước, nhân viên
bảo tàng Louvre đã đình công để phản đối nạn móc túi hoành hành của một
số băng nhóm trẻ vị thành niên gốc Rumani trong các phòng triễn lãm như
chốn không người. Sau đó là hai vụ bạo động liên tiếp tại quảng trường
Trocadéro và trên đại lộ nổi tiếng Champs-Elysées vào ngày 12/05 và
13/05.
Một vidéo caméra trên xe du lịch đã quay lại cảnh du khách bị bọn côn
đồ cướp bóc. Hiện nay, một đoạn clip này được đăng tải trên mạng và tai
tiếng lan sang tận Trung Quốc, Nhật Bản. Đó là chưa kể đến hàng loạt
các vụ móc túi khác. Tình trạng này đã tăng gần 40% trong vòng một năm
trong hệ thống giao thông đường sắt tại Paris và các vùng phụ cận của
Paris. Trên cả nước Pháp, con số các trường hợp phạm pháp đã vượt mức
100 000 vụ trong vòng một năm qua.
Tháng 3 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Paris đã chính thức khiếu nại
Cảnh sát Paris nhằm chấm dứt nạn bạo lực tấn công vào du khách Trung
Quốc. Tờ báo kể lại ví dụ điển hình của một nhóm du khách gồm 23 người
vừa bước ra khỏi sân bay Roissy đã bị một nhóm côn đồ đánh để cướp tiền
mặt và cuỗm mất hộ chiếu.
Vụ việc đã nổi đình nổi đám trên các trang báo Trung Quốc. Giám đốc
một chi nhánh công ty du lịch Trung Quốc nhận định : « Việc khách du
lịch bị móc túi không có gì mới, nhưng con số ngày càng tăng và điều mới
mẻ chính là móc túi đi kèm với bạo lực ».
Nhóm côn đồ, móc túi thường là gốc Đông Âu, xuất thân từ các khu phố
nghèo và ngoại ô Paris. Các cửa hàng cao cấp, khách sạn sang trọng cũng
trở thành điểm ngắm của bọn móc túi, côn đồ. Giải quyết tệ nạn này mang
một ý nghĩa quan trọng đối với nước Pháp. Pháp giữ vị trí đầu bảng các
nơi được du khách lựa chọn và thu hút hơn 80 triệu du khách mỗi năm.
Phân nửa du khách nước ngoài mua các sản phẩm cao cấp tại Pháp. Không
có nguồn khách hàng này thì thị trường hàng cao cấp của Pháp chỉ dừng
lại ở mức tăng trưởng gần 3% vào năm ngoái. Do đó, hơn lúc nào hết, cần
phải « chăm sóc » chu đáo du khách nước ngoài, mà đặc biệt là du khách
Trung Quốc.
Sở du lịch Paris cũng công nhận vấn đề bảo đảm an ninh cho du khách
Trung Quốc cũng là một chủ đề quan trọng. Hơn nữa, Sở du lịch cũng tham
gia đều đặn các buổi họp với Cảnh sát Paris để tuyên truyền các thông
tin hữu ích nhằm phòng tránh tệ nạn trên. Một cảnh sát quận nhận định : «
Các tên bất lương thường nhắm vào du khách Á châu, vì họ vốn có thói
quen mang tiền mặt nhiều trên người ».
Tờ báo dành riêng một đoạn nói về vụ một người thân cận của cựu tổng
thống Bill Clinton bị móc túi 300 euro vào thứ tư vừa rồi trên đại lộ
Champs-Elysées, sau khi nhân vật này vừa rút tiền từ một máy tự động. Tờ
báo kết luận bằng một câu : « Hãy nhanh chóng cải thiện hình ảnh của
Paris ».
Hôn nhân đồng tính : phe chống vẫn biểu tình dù luật có hiệu lực
Sau nhiều tháng biểu tình chống hôn nhân đồng tính nhưng không thành,
ngày mai, phe chống sẽ lại xuống đường biểu tình phản đối đạo luật này.
Các báo Pháp ra ngày hôm nay đều quan tâm đến đề tài này. Báo Le Monde
chạy tựa : « Các cuộc phân tranh giữa nhóm biểu tình gây lo ngại xảy ra
bạo động ». Báo thiên hữu Le Figaro đăng trên trang nhất : « Đợt tấn
công cuối cùng của giới chống đối hôn nhân đồng tính ».
Báo thiên tả Libération có bài viết mang tựa : « Biểu tình chống hôn
nhân đồng tính : một số thành phần cực đoan ». Báo Ạujourd’hui en France
cũng không bỏ qua sự kiện này với bài viết : « Lo ngại xảy ra một mùa
xuân Pháp ».
Hầu hết các báo đều đưa tin, cuộc biểu tình vào ngày mai sẽ huy động
khoảng một triệu người (theo số liệu của các nhà tổ chức) tham gia trên
các đường phố Paris sau khi đạo luật cho phép hôn nhân đồng tính đã được
tổng thống Hollande ban hành. Bộ Nội vụ ước tính sẽ có khoảng 300 000
người đến 500 000 người biểu tình.
Đặc biệt, bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls cấm biểu tình dẫn đến bạo
động và nguy cơ xảy ra một « mùa xuân Pháp ». Ông dự trù có một số biện
pháp phạt trừng trị thích đáng các hành động bạo lực, cực đoan. Đây là
cuộc biểu tình làm bộ Nội vụ lo ngại nhất từ trước đến nay. 4500 cảnh
sát được huy động để giám sát cuộc biểu tình.
Báo Le Monde thì lo ngại rằng ngoài vấn đề an ninh, sự phân hóa nội
bộ nhóm biểu tình đã gây nhiều căng thẳng từ vài tuần nay. Bà Frigitte
Barjot người tổ chức biểu tình, đã bị một số nhóm nhỏ cực hữu đe dọa từ
nhiều tuần nay và thứ 5 vừa rồi, bà đã chính thức nhận được sự bảo vệ từ
bộ Nội vụ. Theo bà Frigitte Barjot thì nên thay thế luật cho phép hôn
nhân đồng tính bằng một dạng hợp đồng dân sự giữa hai cá nhân (contrat
d’union civile) và không cho phép nhận con nuôi.
Báo Libération dẫn lời của bộ trưởng Manuel Valls : « Điều tôi e
ngại chính là các nhóm cực đoan xuống đường đông đảo không phải để biểu
tình mà để đối đầu, đụng độ và gây náo loạn ». Tờ báo còn nhận định rằng
một số dân biểu trong nội bộ đảng UMP tán thành đạo luật, một số khác
chống nhưng cũng thi hành việc cử hành hôn lễ. Một số tên tuổi của Đảng
UMP cũng thừa nhận cần phải nói cho dân Pháp biết rằng cải cách này sẽ
không bao giờ bị xóa bỏ. Đối với ông Bruno Le Maire, một nghị sĩ, « một
khi luật lệ đã được thông qua thì tôi sẽ không đi biểu tình để chống lại
một đạo luật của nền Cộng hòa ».
Bangladesh : thảm cảnh của công nhân sau vụ sập nhà xưởng
Nhìn sang Bangladesh, sau vụ sập tòa nhà tại Dacca làm thiệt mạng
1127 người, báo Libération hôm nay dành khá nhiều trang phân tích nỗi
đau của công nhân sau thảm cảnh này. Trên trang nhất tờ báo đăng tựa : «
Trở lại Bangladesh : Sự xấu hổ ».
Các đặc phái viên của báo Libération đã gặp gỡ các nạn nhân để nghe
họ kể về nỗi cay đắng sau tai họa. Trong bài viết ở trang bên trong mang
tựa : « Cứ như tôi luôn còn ở Rana Plaza. Cái chết », tác giả đặt câu
hỏi : « các hãng sản xuất tại đây đã sẵn sàng cải thiện điều kiện lao
động của con người hay chưa? ».
Các nạn nhân đòi hỏi phải phạt nặng công ty xây dựng tòa nhà Rana
Plaza. Giấy phép chỉ cho xây dựng 6 tầng, nhưng sau đó chủ nhân lại xây
thêm 3 tầng. Đầu tiên, tòa nhà dự định dùng làm văn phòng và trung tâm
thương mại, chứ không phải làm nơi sản xuất. Do đó, tòa nhà không chịu
nổi sức nặng của máy móc công xưởng.
Hơn nữa, tòa nhà được xây dựng một phần trên vũng lầy chứa rác thải.
Tường thì được xây dựng bằng loại xi-măng kém chất lượng pha với cát. Ủy
ban điều tra vụ việc đòi truy tố các các quan chức trong vụ việc với
tội danh « giết người có chủ định » và kết án chung thân những người
này. Cha mẹ của một nạn nhân chua chát nói với con họ : « Về quê, nếu
cần thì đi ăn xin, còn hơn là làm việc trong ngành may mặc ».
Sau thảm họa tại Dacca, phản ứng của một số người tiêu dùng là tẩy
chay các nhãn hiệu sản xuất ở Bangladesh. Đối với công nhân tại đây,
hành động này sẽ làm không biết bao nhiêu công nhân tại đây mất việc và
giết cả đất nước.
Theo họ, thì người tiêu dùng nên áp lực lên các công ty phương Tây ký
thỏa thuận an toàn lao động và đề nghị các chính phủ này thành lập các
công đoàn bảo vệ người lao động tại Bangladesh. Đức Giáo Hoàng so sánh
công nhân ngành may mặc như những người « nô lệ ». Họ lãnh một đồng
lương thấp nhất thế giới. Mức lương tối thiểu vẫn không thay đổi từ năm
2010.
Thứ sáu vừa rồi, chỉ có 38 công ty đa quốc gia sản xuất tại
Bangladesh ký kết một văn bản cam kết có trách nhiệm về điều kiện lao
động của công nhân.
Anh : căng thẳng sắc tộc lại trỗi dậy
Báo Le Figaro hôm nay tiếp tục bàn về sự kiện một người lính tại Luân
Đôn bị một tín đồ Hồi giáo cực đoan sát hại. Nhiều vụ rắc rối đã nhắm
vào cộng đồng người Hồi giáo tại Anh. Tình cảm dành cho người đã khuất
và sự phẫn nộ đối với phần tử khủng bố bao trùm khắp đất nước.
Bài báo miêu tả cảnh người dân lũ lượt đi đặt hoa tưởng niệm người
lính trẻ bị giết hại tàn nhẫn, mặc dù trời mưa như trút nước. Một vài
người không cầm nước mắt. Một số khác thì phẫn nộ hô câu : « Mạng đền
mạng », bất chấp đang trong khung cảnh hòa bình. Họ tức giận lên án «
luật lệ ngu xuẩn về quyền con người tại đây đã cho phép thành phần khủng
bố thoát tội ». « Tôi không muốn đóng thuế để chăm sóc thành phần này ở
bệnh viện. Thà để cho chúng chết còn hơn », đó là những câu hết sức
phẫn nộ của người dân.
Khu phố, nơi xảy ra vụ giết người, chính là một khu vực « nhạy cảm ».
Đây là nơi có nhiều thành phần dân tộc chung sống. Khác với các « khu
biệt cư - ghetto» như ở Pháp, mô hình hòa nhập các dân tộc này tại Anh
đã không mang lại kết quả tốt đẹp. Không dưới 1200 cảnh sát được tăng
cường trong các khu vực « nóng bỏng ». Từ thứ Tư vừa qua, đã xảy ra hàng
chục hành động kỳ thị chủng tộc tại đây.
Một trường đại học tại đây đã buộc sinh viên phải xuất trình thẻ khi
vào trường, « do có nhiều người Hồi giáo tại đây nên người ta không muốn
mạo hiểm ». Căng thẳng thấy rõ tại khu phố này. Một nhân viên tại đền
thờ Hồi giáo kể lại : « Một số người đã khạc nhổ trước đền. Họ nhắm vào
người Hồi giáo và muốn cản trở chúng tôi cầu nguyện ».
Hôm nay, người dân trong khu phố tổ chức một buổi diễu hành trong hòa
bình. Một thanh niên châu Phi theo đạo Thiên Chúa tâm sự : « Chẳng ai
cảm thấy an toàn tại đây. Hơn nữa, với tư cách là người da đen, tôi cảm
thấy bị đe dọa, tôi không dám ra ngoài buổi tối một mình. Từ 10 năm sống
tại đây, tôi chưa thấy cảnh tượng này bao giờ. Dù là người theo đạo
Thiên Chúa hay Hồi giáo, dù cho mọi sắc tộc có khác nhau, nhưng chúng ta
phải đoàn kết, chứ không nên kỳ thị nhau. »
Kỳ thị chủng tộc tại Thụy Điển : dân nhập cư không có tương lai
Hôm nay, báo Le Figaro cũng đưa độc giả đến đất nước Thụy Điển. Theo
bài báo, tại Husby, cái nôi của các vụ bạo động, 60% dân số tại đây có
nguồn gốc nước ngoài. Nạn thất nghiệp tại đây đặc biệt rơi vào giới trẻ,
chiếm 16%.
Sau các vụ bạo động xảy ra tại đây như giết người, đập phá cửa hàng,
bôi đen tường trường học…, người dân hoang mang lo sợ. Từ vài ngày trở
lại đây, chủ đề về nhập cư, kỳ thị chủng tộc và gia tăng bất bình đẳng
trở thành chủ đề nóng bỏng trong xã hội.
Giống như ở Pháp, tại Thụy Điển cũng thiết lập các « khu biệt
cư-ghetto», đa phần là dân nhập cư sống tại các khu phố này. Một thanh
niên trẻ chia sẽ : nếu trên hồ sơ lý lịch có ghi nơi sống là một khu
ghetto, thì y như rằng không được chủ tuyển dụng, mặc dù cuộc phỏng vấn
rất tốt đẹp. Hoặc là nếu tên của bạn không có vẻ gì giống Thụy Điển thì
cũng khó mà kiếm được việc.
Người dân sống trong các khu ghetto này có cảm giác không có một
tương lai phía trước. Cuối cùng, bài báo đặt câu hỏi, trẻ em của các thế
hệ nhập cư tại đây lớn lên, nói tiếng Thụy Điển, quốc tịch Thụy Điển,
mà tại sao chúng không được xem như người dân bản xứ ? Chắc cũng phần
nào giống nước Pháp chăng ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét