RFI Điểm
Báo Thứ tư 30 Tháng Mười 2013
- Vai trò hòa giải của Giáo hội tại Triều Tiên
- Cháy xe hơi tại Thiên An Môn : người Duy Ngô Nhĩ bị tình nghi khủng bố
- Châu Âu bất lực trước vụ Mỹ nghe lén
- Nghe lén : Hoa Kỳ sẵn sàng nhượng bộ
- Chocolat được ưa chuộng làm giá cacao tăng vọt
- Hàng không giá rẻ tăng cung ứng trên thế giới
Thứ
tư 30 Tháng Mười 2013
Vai trò hòa giải của
Giáo hội tại Triều Tiên
Thứ tư 30 Tháng Mười 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười 2013
Vai trò hòa giải của Giáo hội tại Triều Tiên
Lê Vy
Vai trò hòa giải của Giáo hội tại Triều Tiên
Lê Vy
Thời sự tại Châu Á thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhật báo
Pháp. Hôm nay, Đại hội lần thứ 10 Hội đồng Đại kết các Giáo hội (COE)
khai mạc tại Busan (Hàn Quốc). Ba ngàn đại biểu từ khắp nơi trên thế
giới (600 thanh niên) tham dự đại hội cho đến ngày 8/11. Các đề tài
trọng tâm của đại hội là công lý và hòa bình. Báo Công giáo La Croix
dành hai trang lớn cho sự kiện này với dòng tựa : « Vai trò hòa giải của Giáo hội tại Triều Tiên ».
Đại hội lần thứ 10 Hội đồng Đại kết các Giáo hội (COE), Busan, Hàn Quốc, 30/10/2013 - @coe2013
|
Bài báo đăng ảnh những thanh niên Bắc Triều Tiên tỵ nạn tại Hàn
Quốc cầu nguyện trong một giáo đường tại Séoul vì hòa bình và hòa giải
trên bán đảo Triều Tiên.
Báo La Croix nhận định, cả Giáo hội Công giáo lẫn Tin Lành Hàn Quốc
đều giúp đỡ cư dân Bắc Triều Tiên bằng mọi phương tiện, đặc biệt là
những người người đào thoát sang biên giới Trung Quốc. Đặc phái viên tờ
báo trích dẫn một nhân chứng giấu tên, nói chị ta vô cùng biết ơn những
người người Thiên Chúa giáo tại Hàn Quốc, vì họ đã giúp đỡ chị cùng với
ba chị em sau khi họ đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc. Chị
tâm sự : « Cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn, lúc nào cũng
đói khát. Chúng tôi nghe một số người đào thoát sang Trung Quốc nên
chúng tôi cũng bắt chước ».
Trong quá trình bôn ba sang Trung Quốc, chị đã liên lạc với một tổ
chức chuyên giúp đỡ những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên đi sang Lào, Thái
Lan và từ đó đã quen biết được một vị linh mục người Pháp sống tại ngoại
ô Seoul, mà tờ báo cũng xin giấu tên vì các lý do an ninh. Vị linh mục
này thuật lại : « Phần đông người tỵ nạn thiếu ăn, mắc các chứng
bệnh như sốt rét, lao, bệnh da liễu, cộng với các chứng lo âu, trầm cảm,
do phải sống lẫn trốn trong nhiều năm ». Trong thời gian tha
hương, người tỵ nạn bằng mọi giá cố tránh bị cảnh sát bắt. Nếu không, họ
sẽ bị buộc hồi hương và bị tra tấn, tử hình. Vị linh mục kể lại : « Ai cũng có một con dao lam trong túi để tự sát khi bị rơi vào tay cảnh sát ».
Rất nhiều người Tin Lành Hàn Quốc đã giúp đỡ người tỵ nạn và một số
đã phải trả giá đắt. Ví dụ như mục sư Han-il, sau nhiều lần đi đi về về
từ Bắc chí Nam Trung Quốc, ông đã bị cảnh sát Trung Quốc bỏ tù và hành
hạ trong vòng 18 tháng.
Một khi đến Thái Lan, người tỵ nạn được các đại sứ quán tiếp nhận và
có thể nhập cư Hàn Quốc hay Bắc Mỹ. Trong một trung tâm hội nhập tại Hàn
Quốc, người tỵ nạn được chăm sóc trong vòng ba tháng để hồi phục sức
khỏe thể xác lẫn tinh thần. Sau đó, họ được cấp giấy tờ cư trú hợp pháp,
được học nghề và bắt đầu làm quen với thế giới tư bản…
Ngoài ra, Giáo hội Công giáo lẫn Tin Lành, đều giúp đỡ dân Bắc Triều
Tiên qua các hoạt động nhân đạo. Họ gửi hàng cứu trợ đều đặn thông qua
tổ chức Caritas. Thế nhưng, họ phải chấp nhận sự kiểm duyệt và các điều
kiện khắc nghiệt của Bình Nhưỡng. Nhóm tình nguyện viên y tế phải đi
đường vòng sang Trung Quốc rồi mới đến được Bình Nhưỡng, do không có
tuyến bay thẳng đến Bình Nhưỡng. Đức Giám mục Seoul nhận định : « Chúng
tôi thường xuyên gửi lương thực, thuốc men va các nhu yếu phẩm khác.
Thế nhưng, đôi khi chúng tôi buộc phải ngưng hoạt động khi quan hệ ngoại
giao hai miền Triều Tiên trở nên căng thẳng ».
Giáo hội còn giúp đỡ người tỵ nạn hội nhập vào cuộc sống tại Hàn Quốc
do tại đây, nếu người tỵ nạn không hội nhập được vào khuôn khổ xã hội
Hàn Quốc, thì sẽ bị gạt sang một bên, bị khinh bỉ. Người Bắc Triều Tiên
thường bị rơi vào tình trạng này khi mới đến Hàn Quốc. Khi ra khỏi trại
tỵ nạn, mỗi người còn được chính phủ Hàn Quốc cấp cho khoảng 5000 euro,
hay được ở miễn phí vài tháng tiền nhà.
Cháy xe hơi tại Thiên An Môn : người Duy Ngô Nhĩ bị tình nghi khủng bố
Vụ một chiếc xe lao vào đám đông trên quảng trường Thiên An Môn và
bốc cháy vẫn thu hút sự quan tâm của báo Le Monde. Tờ báo cho biết, cảnh
sát Trung Quốc tình nghi thủ phạm của vụ khủng bố này là hai người Duy
Ngô Nhĩ, vùng Tân Cương.
Báo Le Monde nhận định, nếu hướng tình nghi nhắm vào người Duy Ngô
Nhĩ là đúng, thì Bắc Kinh sẽ phải chuẩn bị tinh thần trước thái độ của
công chúng Trung Quốc : Tất cả những gì có liên quan đến vùng tự trị Tân
Cương đều trở nên hết sức nhạy cảm. Chính quyền cộng sản Trung Quốc giữ
độc quyền tuyên truyền tin tức liên có quan đến vùng Tân Cương, nên đã
giấu bớt các vụ bạo động đang xảy ra tại vùng này bằng việc hô hào,
quảng bá « tình hữu nghị giữa các sắc tộc » và « phát triển kinh tế ».
Từ khi Chủ tịch nước Tập cận Bình nhậm chức vào tháng 3, căng thẳng
tại vùng Tân Cương càng trở nên nghiêm trọng. Các vụ đụng độ, xô xát đã
làm khoảng 100 người thiệt mạng từ mùa xuân vừa qua giữa nhóm người Duy
Ngô Nhĩ và các viên chức, cảnh sát địa phương. Đa phần là người Duy Ngô
Nhĩ, các viên chức này có trách nhiệm thi hành các biện pháp kiểm soát
vô cùng gắt gao và mang tính trấn áp, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn
giáo.
Châu Âu bất lực trước vụ Mỹ nghe lén
Trở lại với vụ Mỹ nghe lén các nước Châu Âu, báo Le Monde đăng bài viết đề tựa : « Nghe lén : các dân biểu Châu Âu lấy làm tiếc vì Châu Âu quá mềm yếu trước Hoa Kỳ ».
Theo tờ báo, trước hành động không thế chấp nhận của Mỹ đối với các
đồng minh Châu Âu, các dân biểu cánh tả yêu cầu ngưng việc thương lượng
Hiệp định tự do mậu dịch. Đối với đa số dân biểu cánh tả và đảng Xanh,
Hiệp định tự do mậu dịch sẽ là một công cụ tốt để gây áp lực lên nền
kinh tế số một thế giới. Hannes Swoboda, trưởng nhóm dân biểu các đảng
Xã Hội tại Nghị viện Châu Âu nhận xét : « Chúng ta lại một lần nữa quá yếu đuối, quá nhút nhát trước sức mạnh của Hoa Kỳ ».
Hiệp định tự do mậu dịch làm cho một số người hy vọng sẽ kích thích nền
kinh tế của châu lục già cỗi này, nhưng một số chuyên gia cũng nhấn
mạnh mối họa mà một số ngành nghề gặp phải khi đồng euro đắt hơn đồng đô
la.
Nghe lén : Hoa Kỳ sẵn sàng nhượng bộ
Bên cạnh đó, tờ Libération đăng bài : « Vụ NSA : Obama sẵn sàng nhượng bộ ». Theo đó, Washington đã đưa ra các thỏa thuận mới về việc không tiến hành các hoạt động « gián điệp » giữa các đồng minh.
Tờ New York Times hôm qua thông báo, Tổng thống Obama sẵn sàng ra
lệnh cho NSA ngưng nghe lén lãnh đạo các quốc gia đồng minh. Tại cuộc
họp Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu vào thứ Sáu vừa qua, Paris và Berlin
đã đồng thuận thương lượng các hiệp định song phương với Hoa Kỳ để được
bảo đảm tránh khỏi công cụ nghe lén này. Thế nhưng, trước khi thương
lượng được tiến hành, thì thái độ ngập ngừng đã thoáng thấy từ phía Hoa
Kỳ. Peter King, một quan chức đảng Cộng Hòa thuộc Ủy ban an ninh quốc
gia Hoa Kỳ cho rằng: « Chúng ta không biết các Tổng thống hay Thủ
tướng sắp tới sẽ là ai, cho nên Nhà Trắng không nên bỏ công cụ nghe lén
quan trọng này nhằm bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ ».
Phía Washington cũng cho rằng, Paris cũng không hề lạ lẫm gì với việc
gián điệp. Cựu Ngoại trưởng của ông Bill Clinton, bà Madeleine Albright
thuật lại, tuần trước, một viên chức đại sứ quán Pháp tại Liên Hiệp
Quốc đã được mời để giải thích về việc nghe lén cuộc đối thoại của bà
với một người khác. Bà Albright cáo buộc : « Họ cũng có hệ thống nghe lén » và bà không hề cảm thấy ngạc nhiên về việc các quốc gia do thám lẫn nhau và xem đó như một điều hiển nhiên.
Chocolat được ưa chuộng làm giá cacao tăng vọt
Nhân sự kiện Triễn lãm chocolat đang diễn ra tại Paris, nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài viết mang tựa : « Ưa chuộng chocolat làm giá cacao tăng vọt ».
Theo tờ báo, giá cacao đã tăng lên gần 20% từ đầu năm nay. Tại New
York, giá cacao đã đạt đến mức cao nhất từ hai năm nay (2 776 đô
la/tấn). Tại Luân Đôn cũng vậy, giá cacao cũng cao ngất ngưỡng (gần 2
890 đô la/tấn).
Báo Les Echos nhận định, nguyên nhân khiến giá cacao tăng vọt là do
ngành sản xuất cacao không được ổn định cho mấy. Trước tiên là do thu
hoạch không được bội thu so với dự kiến tại Tây Phi (Ghana, Bờ Biển
Ngà), khu vực cung cấp 70% lượng cacao cho toàn thế giới. Thế nhưng, vào
lúc phát triển hạt cacao thì khu vực này lại gặp cảnh hạn hán. Kế tiếp
là tại Indonesia, dự báo cũng không mấy sáng sủa. Một số loại bệnh tấn
công cây cacao dẫn đến nguy cơ thất thu cao trong mùa thu hoạch. Trong
lúc đó thì nhu cầu của thế giới lại rất cao.
Các quốc gia phát triển rất chuộng chocolat, sau một thời gian tiêu
thụ chựng lại do cuộc khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, nhu cầu của các
quốc gia mới trỗi dậy cũng ngày càng cao và góp phần làm cho thị trường
cacao thêm căng thẳng. Trong đó đáng kể đến là nhu cầu ăn chocolat của
tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng góp phần quan trọng trong tiêu thụ
của toàn thế giới. Một người Trung Quốc ăn 1kg chocolat/ năm, trong khi
một người Anh hay Thụy Sĩ ăn gần 10 kg/ năm. Lượng cung ứng cacao không
đủ sẽ gây quan ngại cho các nhà công nghiệp và tờ báo dự đoán, giá
chocolat rồi sẽ tăng trong những ngày sắp tới.
Hàng không giá rẻ tăng cung ứng trên thế giới
Báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến các hãng hàng không giá rẻ và
cho biết, các hãng này tăng cung ứng trên thế giới. Số lượng chỗ ngồi
của các hãng này đã tăng 6,8% vào sáu tháng đầu năm.
Indonésia, Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan chiếm 50% tăng trưởng của toàn
thế giới về khả năng cung ứng các ghế giá rẻ. Tờ báo nhận định, rõ
ràng, các hãng giá rẻ không chỉ chiếm thị phần của các hãng hàng không
truyền thống mà còn chiếm được tín nhiệm của hành khách. Luân Đôn, hiện
là thủ đô của các hãng hàng không giá rẻ, với khoảng 15 triệu chỗ ngồi
giá rẻ. Tuy nhiên, đứng thứ ba và thứ tư trong bảng xếp hạng Top 10 là
Jakarta và Kuala-Lumpur. Thế nhưng, thứ hạng trong danh sách này có thể
sẽ còn thay đổi, theo kết quả nghiên cứu của Amadeus một trong những nhà
cung ứng hàng đầu về hệ thống đặt chỗ trong ngành công nghiệp du lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét