Quốc hội
khóa 13 phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
TƯỜNG THỤY
Dù biết Hiến pháp sửa đổi (HPSĐ) sẽ được
thông qua nhưng người ta vẫn sốc. Tâm lý chung của con người là trong
tăm tối, nguy nan, thậm chí khi nắm chắc cái chết, người ta vẫn trông
chờ vào một phép màu nào đó. Vì vậy, trước khi thông qua, người ta vẫn
hy vọng – dù là mong manh, điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Kết quả bỏ phiếu thông qua HPSĐ ngày
29/11/2013 đã tan biến niềm hy vọng thảm thương đó. Thế là hết. Đất nước
tiếp tục đi trên con đường vô định, không biết đích đến là đâu.
Khi Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kêu gọi
toàn dân góp ý cho Dự thảo HPSĐ mà “không có vùng cấm nào”, đối tượng
góp ý được mở rộng ra cả đồng bào Việt ở Hải ngoại thì biết bao nhiêu
người phấn khởi, hy vọng. Những người nặng lòng với đất nước đã bỏ ra
nhiều công sức đưa ra các ý kiến đóng góp với thái độ chân thành, tinh
thần xây dựng, những mong đóng góp được một điều gì đó cho công cuộc
chấn hưng đất nước. Nhóm 72 đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, thậm chí đưa
ra hẳn một bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để tham khảo.
Khi biết QH quyết định thông qua HPSĐ vào
ngày 28/11/2013, những người khởi xướng và hưởng ứng Kiến nghị 72 trên
tinh thần “còn nước còn tát” đã ra LỜI KÊU GỌI DỪNG VIỆC THÔNG QUA DỰ THẢO HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 1992 (SỬA ĐỔI 2013)
Thế nhưng, quốc hội đã bất chấp, bỏ ngoài tai những lời góp ý đầy nhiệt huyết ấy.
Khi kêu gọi toàn dân góp ý cho Dự thảo
HP, ông Phan Trung Lý, trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992 còn khẳng định:“Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp”.
Cái mà họ gọi là đã “tiếp thu chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của nhân dân“,
thực chất là in hàng triệu cuốn HPSĐ đưa đến tận tay từng gia đình rồi
yêu cầu ký đồng ý chứ họ không hề tổ chức cho dân thảo luận, giải thích
cho dân hiểu. Chỉ có rất ít người can đảm lắm mới dám có ý kiến trái
chiều, điều này hẳn ai cũng biết.
HPSĐ đã được thông qua không có gì tiến bộ hơn, thậm chí còn thụt lùi so với HP1992.
Chủ nghĩa Mác- Lênin đã từng thống trị
vào khoảng 1/3 thế giới, nếu tính chung cả về dân số lẫn diện tích nhưng
sau hơn 70 năm thử nghiệm đã phá sản ở hầu hết các nước xã hội chủ
nghĩa, trong đó có Liên Xô – thành trì của phe XHCN với diện tích gấp
hơn 2 lần nước Mỹ. Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sau khi thoát khỏi
chế độ XHCN, xã hội mới bắt đầu hồi sinh. Sự sáp nhập của Đông Đức vào
CHLB Đức sau 41 năm lạc lối như là một gánh nặng của nước Đức, mặc dù an
sinh xã hội, mô hình quản lý của Đông Đức được coi là sự thèm muốn của
các nước khác trong khối XHCN lúc bấy giờ. Các đại biểu quốc hội VN
không ai là không biết điều đó, thế nhưng họ vẫn thông qua một Hiến pháp
coi chủ nghĩa Mác – Lênin là ánh sáng soi đường.
Sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN đã
làm cho đất nước tụt hậu, thậm chí tới hàng trăm năm so với các quốc gia
trong khu vực và trên thế giới. Thế nhưng, HPSĐ vẫn chỉ là sự thể chế
hóa cương lĩnh của Đảng CSVN. HPSĐ một lần nữa tạo cơ sở pháp lý cho
Đảng CSVN đứng trên pháp luật, duy trì chế độ toàn trị, xây dựng một nhà
nước tập quyền, tập trung quyền lực vào các nhóm lợi ích, không có chỗ
cho một xã hội dân sự.
Nền kinh tế tiếp tục bị “định hướng XHCN”
dù không một ai, kể cả các nhà lãnh đạo cao nhất biết nó là cái gì,
hình thái kinh tế xã hội của CNXH ra sao.
Kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo,
dù thành phần kinh tế này là thủ phạm gây nên nạn tham nhũng và lãng
phí nhiều nhất, làm khánh kiệt ngân khố quốc gia.
Đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, mặc dù
đây là kẽ hở cho bao nhiêu kẻ làm giàu bất chính, đẩy người dân đến
cảnh lầm than, mất nhà, mất ruộng, thất nghiệp, lang thang đi kêu oan,
khiếu kiện khắp nơi. Cái gọi là thu hồi đất trong rất nhiều trường hợp
thực chất là cướp của dân để làm giàu cho một nhóm người nào đó.
Khác với HP1992, theo HPSĐ thì Quân đội
phải thêm nhiệm vụ trung thành với Đảng (CSVN), một tổ chức chỉ chiếm 4%
dân số. Đây là một điều cực kỳ phi lý.
Còn rất nhiều điều phải nói về HPSĐ này.
Hai mốt năm qua, kể từ khi HP1992 (tuy
còn rất lạc hậu) ra đời, thế giới đã có nhiều thay đổi, có những bước
phát triển không ngừng cho dù có bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Về
nhân quyền đã có những tiến bộ lớn ở nhiều quốc gia được coi là lạc hậu,
độc tài.
Phong trào Mùa xuân Ả rập đã lật nhào chế
độ độc tài ở Ai cập, Tuy-ni-di, Li-bi. Gần đây nhất, Miến Điện – quốc
gia láng giềng với Việt Nam cũng đã có những bước thay đổi ngoạn mục về
dân chủ, tạo ra một không khí trong lành dễ thở hơn trong xã hội.
Tình hình thế giới và trong nước hiện nay
vừa là cơ hội vừa đặt ra yêu cầu đất nước phải thay đổi. Thế nhưng Quốc
hội vẫn thông qua một bản Hiến pháp đầy lạc hậu, giáo điều. Họ biết như
thế là không phải nhưng họ đã không chiến thắng nổi vì lợi ích cá nhân
của họ gắn liền với chế độ độc tài toàn trị, mặc dù họ tự cho là đại
diện lợi ích của nhân dân.
Họ đã cố tình bỏ lỡ cơ hội đưa đất nước
thoát khỏi trì trệ, lạc hậu, trở thành quốc gia dân chủ, văn minh để hòa
nhập với cộng đồng quốc tế.
Với việc thông qua Hiến pháp 1992 sửa
đổi, Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã có tội với Tổ Quốc, với Nhân dân và
phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
29/11/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét