Về bản
Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch
sử VN
Chép Sử Việt
Chép Sử Việt
Sau khi đăng bài “Láo nháo Thủ tướng “làm việc” với Hội Khoa học Lịch sử“, một độc giả đã gửi tới trong phản hồi nội dung bản “Thông báo …”
Tìm trên mạng thì quả là có bản “Thông báo” này, nó “ra đời” sau cuộc làm việc của Thủ tướng với Hội KHLSVN cùng nhiều thông tin phản ánh trên báo chí và mạng tự do những 3 tuần, nhưng lại 2 ngày trước (thông tin được công bố) cuộc điện đàm Nguyễn Phú Trọng – Tập Cận Bình, và 1 ngày
sau cuộc gây rối, đe dọa của chính quyền Hà Nội với những người dân yêu
nước tham gia buổi Lễ tưởng niệm các liệt sĩ Hoàng Sa. Có cái gì đây
sau những con số về thời gian này?
Xin đăng lại toàn văn Thông báo, cũng để thấy thêm một tình trạng “láo nháo” theo cách khác, khi mà có những báo đã đưa cả tin Thủ tướng đồng ý tổ chức tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa, 35 năm Chiến tranh Biên giới, nhưng rồi lại gỡ bỏ không rõ lý do, giờ thì bản Thông báo không có nội dung đó.
Ngoài ra, việc Văn phòng chính phủ đã có
bản Thông báo chính thức, có lẽ để giải tỏa bớt thắc mắc, nghi ngờ,
nhưng có thể sau khi tờ tạp chí Xưa&Nay của Hội KHLSVN – Số Xuân đã
được in ra và phát hành, nên đã không kịp cập nhật. Đề nghị Hội và BBT
Tạp chí cần bổ sung tóm lược bản Thông báo này vào số tới. Không thể để
cho một bản “Thông báo” quan trọng phải chịu số phận tồn tại lặng lẽ như
vậy được.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 24/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2014
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM
Ngày 30 tháng 12 năm 2013, tại Trụ sở
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc
với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các Bộ: Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại
giao, Tài chính; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Liên hiệp các
Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Sau khi nghe Hội Khoa học Lịch sử Việt
Nam báo cáo tình hình hoạt động của Hội, Văn phòng Chính phủ báo cáo
tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan về các kiến nghị của Hội, phát biểu của
các đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như
sau:
1. Trong những năm qua, Hội Khoa học
Lịch sử Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc tập hợp rộng rãi các nhà
khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, đoàn kết giới sử học cả
nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học lịch sử Việt Nam; phổ
biến tri thức lịch sử nhằm giáo dục truyền thống dân tộc, bảo vệ di sản
văn hóa; chủ trì và tham gia biên soạn, xuất bản nhiều công trình sử
học quan trọng; thực hiện tư vấn, phản biện giám định xã hội đối với các
công trình, dự án liên quan đến sử học và văn hóa dân tộc; thiết lập
quan hệ giao lưu với giới sử học quốc tế. Hệ thống tổ chức của Hội ngày
càng được mở rộng, bao gồm 53 hội, chi hội thành viên với gần 4000 hội
viên chính thức. Đã xây dựng, hình thành Quỹ Phát triển sử học Việt Nam
góp phần đào tạo nhân tài sử học, khuyến khích tài năng trẻ trong học
tập, nghiên cứu lịch sử. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao
những cố gắng và kết quả đã đạt được của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
trong thời gian qua.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới,
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cần tập trung chuẩn bị tổ chức tốt Đại
hội lần thứ VII của Hội nhằm đánh giá, tổng kết công tác nhiệm kỳ VI, đề
ra phương hướng và giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của Hội gắn liền
với sự phát triển của nền sử học nước nhà; huy động giới sử học cả nước
tham gia biên soạn bộ Quốc sử “Lịch sử Việt Nam”, là bộ sử chính thống
của đất nước và của dân tộc, trong đó, tổng hợp những kết quả nghiên cứu
mới nhất về lịch sử Việt Nam; tích cực tham gia tư vấn, phản biện các
công trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc, như sách giáo khoa
lịch sử, chương trình môn lịch sử trong trường học, các hoạt động liên
quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam; tiếp tục củng cố, mở rộng hệ thống
tổ chức Hội ở các Bộ, ngành, địa phương và phát triển hội viên ở các chi
hội; chú trọng mở rộng quan hệ giao lưu với giới sử học quốc tế.
2. Về một số kiến nghị:
a) Về đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ
đạo cơ quan chức năng nghiên cứu và có giải pháp đủ mạnh để sớm chấn
chỉnh những tồn tại, sai sót về nhận thức và trình bày trong việc viết
sử nghiệp dư của các ngành nghề, địa phương, cơ quan, dòng họ:
Giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học
Lịch sử Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai các công việc sau
đây:
- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm
tăng cường quản lý nhà nước đối với việc nghiên cứu, biên soạn và xuất
bản các công trình lịch sử, kể cả các công trình viết sử nghiệp dư của
các ngành nghề, địa phương, cơ quan, dòng họ.
- Nghiên cứu, hướng dẫn phương pháp sưu
tầm, xử lý tư liệu và cách trình bày viết sử nghiệp dư, bảo đảm tính
thống nhất và tính khoa học.
- Tập hợp và huy động các nhà sử học trong cả nước tham gia biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử).
b) Đề nghị sớm thành lập Trung tâm tư liệu Biển Đông trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ):
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ
Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất
việc thành lập Trung tâm lưu trữ tư liệu quốc gia về biển, đảo trực
thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
c) Về đề nghị bổ sung kiến thức về Biển
Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
vào sách giáo khoa phổ thông:
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì,
phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan
liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối
với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học với
nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp khi triển khai xây dựng
Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
d) Về một số vấn đề liên quan đến Khu di tích Hoàng Thành – Thăng Long:
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách
lĩnh vực chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành bàn các giải pháp thống nhất
quản lý Khu di tích Hoàng Thành – Thăng Long, đồng thời đẩy nhanh công
tác bảo tồn di tích đã phát lộ trong khu vực này. Các Bộ, cơ quan liên
quan khẩn trương triển khai thực hiện các công việc đã nêu tại Thông báo
số 6/TB-VPCP ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.
đ) Về đề nghị thành lập Nhà xuất bản Sử
học trực thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Thực hiện theo quy định
của Luật xuất bản năm 2012.
e) Về việc tạo điều kiện hoạt động cho Hội:
- Bộ Tài chính xem xét, cấp kinh phí ở
mức phù hợp nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động và phát triển của Quỹ Phát
triển sử học Việt Nam và Tạp chí Xưa và nay; cấp kinh phí thuê trụ sở
cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối
hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ,
Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giao Hội Khoa
học Lịch sử Việt Nam tham gia thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm
vụ của Đảng, Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Hội và
cấp kinh phí thực hiện theo quy định.
- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ động
huy động tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để
phục vụ cho hoạt động của Hội nói chung và Quỹ Phát triển sử học Việt
Nam nói riêng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo;
– Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
– Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam;
– Ban Tuyên giáo Trung ương;
– Ủy ban nhân dân TP Hà Nội;
– Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, TCCV, TKBT, TH;
– Lưu: VT, KGVX (3b).
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo;
– Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
– Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam;
– Ban Tuyên giáo Trung ương;
– Ủy ban nhân dân TP Hà Nội;
– Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, TCCV, TKBT, TH;
– Lưu: VT, KGVX (3b).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét