Khi Nazi đi bắt những người cộng sản, tôi im lặng, tôi có là cộng sản đâu.
Khi chúng giam những người dân chủ xã hội, tôi im lặng, tôi có theo dân chủ xã hội đâu.
Khi chúng lùng những thành viên công đoàn, tôi im lặng, tôi có ở công đoàn nào đâu.
Khi chúng đến bắt tôi, thì chẳng còn ai, để có thể đứng ra phản đối.
Đó là những lời còn mãi của nhà thần học Tin lành Martin Niemöller
(1892-1984) và lãnh đạo Giáo hội Thống hối, người cũng được nhắc đến
trong bài điểm sách dưới đây. Từng bầu cho Đảng Quốc xã, ủng hộ chính
thể của Quốc trưởng và có khuynh hướng bài Do Thái, song chỉ 4 năm sau
khi Hitler lên cầm quyền ông đã chuyển thành một người chống đối, bị
giam cầm trong các trại tập trung, có thời gian như một tù nhân riêng
của Hitler, cho đến khi được lính Mỹ giải phóng. Trong số những người
Đức âm thầm chịu đựng chế độ Quốc xã, thậm chí tìm cách giành được một
vị trí nhiều ảnh hưởng trong đó để chống nó từ bên trong, nổi bật lên
hai nhóm: tướng lãnh và nhà thờ Tin lành, một có chỗ dựa là vũ khí quân
sự, một có chỗ dựa là vũ khí tinh thần. Phần lớn họ cuối cùng đều thiệt
mạng. Song cuộc đời họ cho thấy là khả năng ấy có thật chứ không phải
một lời biện minh mệt mỏi, rằng người ta phải đến gần cái Ác để ngăn
chặn nó.
Phạm Thị Hoài
_________________
Khi Adolf Hitler xâm chiếm Ba Lan năm
1939, người Châu Âu vốn đã có một truyền thống dùng vũ trang để chống
lại nhà cầm quyền, từ đó họ học hỏi nhiều kinh nghiệm. Tại những nước
như Đan Mạch, Pháp, và Ba Lan, các phong trào có thực lực đã xuất hiện
chống lại việc chiếm đóng của Quốc xã. Nhưng chính trong nước Đức, một
cuộc chống đối tương đối nhỏ cũng phải vất vả lắm mới có thể bám trụ và
hiếm khi đặt ra một đe dọa nghiêm trọng nào cho chế độ Hitler.
Hầu hết mọi người Đức đều lo ngại trước
hết cho chính sự sống còn của bản thân mình và vì thế, khi thông tin bắt
đầu rò rỉ về việc trục xuất người Do Thái và các sự lạm quyền khác của
Quốc xã, họ chỉ giấu kín bất cứ quan ngại nào nếu có ở trong lòng. Dẫu
sao, chỉ cần nhắc đến những vấn đề này cũng có thể rước lấy án tử hình,
cũng như nghe lén các đài nước ngoài và loan tải tin đồn. Sự đe dọa của
hình phạt nghiêm khắc rất có hiệu quả: Đảng Quốc xã bưng bít thành công
mọi thông tin từ ngoài vào đối với hầu hết người Đức, và bất cứ ai biết
được sự thật mà đâm ra ray rứt, thì người ấy sẽ chịu nhiều nguy hiểm do
việc hành động theo lương tâm của mình. Một thiểu số can trường tham gia
kháng chiến, ý thức một cách đau đớn rằng họ thiếu hẳn hậu thuẫn từ bên
trong lẫn bên ngoài, nhưng việc này không gây ngạc nhiên cho hầu hết
những người chống chế độ.
Tuy nhiên, những lý giải về lý do tại
sao quá ít người Đức nổi dậy chống Hitler và quá nhiều người Đức bám víu
ông ta đến hơi thở cuối cùng đã không dành chỗ cho những câu chuyện của
những người Đức, nam cũng như nữ, đã chống lại chế độ Quốc xã. Trong
cuốn No Ordinary Men, Elizabeth Sifton và Fritz Stern giúp điền
vào chỗ trống này bằng cách ghi chép các sự kiện liên quan cuộc đời của
hai thành viên hàng đầu của kháng chiến Đức: nhà thần học nổi tiếng
Dietrich Bonhoeffer và người anh rể ít tiếng tăm hơn, luật gia Hans von
Dohnanyi. Trong khi kể về Bonhoeffer và Dohnanyi, cuốn sách đã trình bày
một bức tranh rất hấp dẫn về làn sóng ngầm chống Quốc xã. Trong nhiều
nhận xét sâu sắc được đưa ra, có lẽ điều quan trọng nhất là, mặc dù
những người chống Hitler thường có động cơ chính trị và chiến lược không
liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái của Quốc xã, nhưng những nhân vật
phản kháng quan trọng nhất ở đây được thúc đẩy chủ yếu (hay chí ít một
phần lớn) do cùng có một cảm nhận chung về sự hãi hùng đối với cuộc tàn
sát tập thể nhắm vào người Do Thái.
CHẶN ĐỨNG BÁNH XE
Cả Bonhoeffer và Dohnanyi đều chống đối
chế độ Quốc xã từ đầu, nhưng sự xung đột của Bonhoeffer với Đảng Quốc xã
là công khai hơn và vì thế ngày nay được nhiều người nhớ đến hơn. Được
sinh ra trong một gia đình nổi tiếng tại Berlin, Bonhoeffer quyết định
theo đuổi sự nghiệp của một mục sư từ khi mới 14 tuổi. Sifton và Stern
gợi ý rằng ngoài ảnh hưởng của phía gia đình bên mẹ ông (cả ông ngoại và
ông cố ngoại đều là mục sư), Bonhoeffer có lẽ đã được thu hút đến một
cuộc đời mục vụ để phản ứng lại tình trạng “bấp bênh đạo lý” và “bất ổn
tâm linh” vốn là đặc tính của những năm sau Thế chiến I. Về sau,
Bonhoeffer đã học một năm tại Chủng viện Thần học Hợp nhất [the Union
Theological Seminary] tại New York dưới sự chỉ giáo của triết gia
Reinhold Niebuhr (vị này lại là cha của đồng tác giả Sifton).
Vào năm 1933, khi Hitler được chỉ định
làm Thủ tướng Đức, Bonhoeffer đã là một mục sư được thụ phong có tiếng
tăm nhờ những tác phẩm thần học của mình. Lúc bấy giờ, Giáo hội Luther
Đức, mà ông là một thành viên, không có một lập trường thống nhất về Chủ
nghĩa Quốc xã. Một phe có thế lực trong Giáo hội, mà các thành viên tự
xưng là “Những người Thiên chúa giáo Đức” ủng hộ cái được coi là một
phiên bản Thiên chúa giáo mang đặc tính Đức, công bố một “Giê-su của
chủng tộc Aryan” và hậu thuẫn chủ nghĩa bài Do của Đảng Quốc xã. Hầu hết
các mục sư Đức không phải là những thành phần Quốc xã cực đoan, mà là
những người theo chủ nghĩa dân tộc, trung thành với bất cứ chính phủ nào
đang cầm quyền. Bonhoeffer bác bỏ cả hai lập trường. Chỉ hai ngày sau
khi Hitler được bổ nhiệm, Bonhoeffer đã đọc một diễn từ trên đài phát
thanh cảnh báo rằng nếu một lãnh tụ đầy quyền lực (Führer) như Hitler vi phạm niềm tin của nhân dân, ông ta có “nguy cơ trở thành một tên lừa mị vĩ đại” (Verführer).
Trong khi đó, các đảng viên Quốc xã phát động một nỗ lực quan trọng
nhằm xác lập quyền kiểm soát việc điều hành Giáo hội và thanh lọc các
“phần tử phi-Aryan” [non-Aryans] khỏi hàng giáo phẩm.
Không lâu sau bài diễn từ đó, Bonhoeffer
cho xuất bản “Giáo hội và Vấn đề Do Thái,” một tiểu luận tranh luận
rằng Giáo hội Đức có “một bổn phận vô điều kiện đối với các nạn nhân của
bất cứ một cuộc sắp xếp trật tự xã hội nào.” Mặc dù vai trò của Giáo
hội “không phải là ca ngợi hay chỉ trích luật lệ nhà nước,” ông viết,
Giáo hội phải chất vấn xem các hành động của nhà nước có chính đáng hay
không. Hơn nữa, Giáo hội có thể có bổn phận không những “băng bó vết
thương của những người ngã gục dưới bánh xe…mà đôi khi phải chặn đứng
bánh xe ấy lại” bằng cách vận động chính trị trực tiếp. Theo ngôn từ của
nhà thần học Thụy Sĩ Karl Barth, bài tiểu luận này đã làm cho
Bonhoeffer trở thành “mục sư đầu tiên và gần như duy nhất nắm bắt được
và đối phó với vị trí trung tâm của Judenfrage [Vấn đề Do
Thái].” Vì không thể cúi đầu sống theo điều mà ông coi là sự hèn nhát
của Giáo hội Luther trước những nỗ lực kiểm soát nó của Hitler,
Bonhoeffer và mục sư bạn Martin Niemöller đã dẫn đầu một nhóm gồm hơn
2.000 mục sư để thành lập một tổ chức mới gọi là Giáo hội Thống hối.
Chẳng bao lâu, Bonhoeffer cũng từ bỏ
nhóm này, vì cho rằng các thành viên của nó còn quá e dè, không dám
chống lại các cảm tình viên và mật vụ Quốc xã đang tìm cách kiểm soát
các Giáo hội Đức. Nhưng Gestapo có vẻ tin rằng Giáo hội Thống
hối đặt ra một mối đe dọa và bắt giữ khoảng 800 mục sư của Giáo hội này
năm 1937. Ba năm sau, Quốc xã cấm hẳn Bonhoeffer giảng đạo hay phát biểu
bất cứ điều gì trước công chúng.
Trong thời gian Bonhoeffer thử nghiệm
những giới hạn của nỗ lực chống Quốc xã thì Dohnanyi đang phục vụ trong
hàng ngũ cao nhất của chế độ Quốc xã. Dohnanyi, con trai của nhà soạn
nhạc Hung Gia Lợi nổi tiếng Ernst von Dohnanyi (và sau này là cha của
nhạc trưởng lừng danh Christoph von Dohnanyi), đã lớn lên ở Berlin và
quen biết với gia đình Bonhoeffer từ thời thơ ấu. Trong thời gian soạn
luận án tiến sĩ luật tại Đại học Hamburg, Dohnanyi gặp và năm 1925 cưới
Christine, chị của Bonhoeffer. Bốn năm sau, hai vợ chồng trở về Berlin,
tại đây Dohnanyi bắt đầu làm việc tại Bộ Tư pháp và lần lượt giữ những
chức vụ có uy tín. Năm 1933, ông trở thành trợ lý chính cho Bộ trưởng Tư
pháp, Franz Gürtner. Ghê tởm trước sự tàn bạo của Quốc xã, Dohnanyi đã
dùng ưu thế của mình để bắt đầu lập hồ sơ về những hành động phi pháp
của chúng. Về sau ông đã khai với những thẩm vấn viên Quốc xã là chính
“sự độc đoán phi lý trong lãnh vực pháp lý và các bản án của Quốc xã
trong vấn đề Do Thái và các Giáo hội” đã thúc đẩy ông chống lại chế độ.
Nhưng Dohnanyi còn đối diện nhiều rủi ro
nghiêm trọng khác vì di sản huyết thống của mình: ông có một người ông
Do Thái. Như tất cả mọi công chức nhà nước, Dohnanyi bị bắt buộc phải kê
khai bằng chứng về dòng dõi Aryan của mình. Tuy nhiên, Gürtner báo cho
Hitler biết rằng Dohnanyi là trợ tá không thể thiếu, do đó Hitler ra sắc
lệnh cho phép Dohnanyi khỏi phải “chịu bất cứ một thiệt thòi nào vì gốc
gác chủng tộc của mình.” Để đảm bảo an toàn thêm cho Dohnanyi, Gürtner
đã bổ nhiệm ông làm thẩm phán tại toà án tối cao Đức, đưa ông ra khỏi sự
giám sát trực tiếp của Gestapo.
Sự tin tưởng của các đảng viên Quốc xã
đối với Dohnanyi được đặt không đúng chỗ. Ngay từ năm 1934, ông đã bắt
đầu tích cực chống phá nhà nước Quốc xã: ngấm ngầm giúp đỡ những người
Do Thái mà ông quen biết hoặc chính họ tìm đến ông, đồng thời dùng khả
năng tiếp cận của mình để thu thập và sắp xếp những hồ sơ đồ sộ về tội
ác của chế độ. Năm 1939, Đô đốc Wilhelm Canaris, chỉ huy trưởng cơ quan
Abwehr, cánh tay phản gián của quân đội Đức, đã tuyển Dohnanyi vào làm
việc trong tổ chức của ông. Dưới sự chỉ huy của Canaris, một quan chức
cũng chống đối Hitler ngấm ngầm, Dohnanyi có điều kiện tiếp tục giúp đỡ
người Do Thái, trong vài trường hợp đã tác động để thuyên chuyển họ từ
một trại tập trung đặc biệt nguy hiểm đến một trại ít nguy hiểm hơn.
Dohnanyi còn dùng địa vị mới của mình để giúp nối kết các phần tử chống
đối khác nhau trong hàng ngũ sĩ quan Đức.
Đồng thời, Dohnanyi thường tìm sự cố vấn
tâm linh của người em rể Bonhoeffer; việc Dohnanyi tiếp tục phục vụ cho
một chế độ đầy tội ác, dù đó chỉ là một bình phong, cũng làm ông bất ổn
tâm lý sâu sắc. Nhưng khoảng năm 1939, cả hai anh em đã gặp nhau trên
một quan điểm: thay vì sống trung thực với tín lý của mình và công khai
bày tỏ sự bất bình đối với các chính sách của chế độ, người ta nên bám
lấy một chức quyền khả dĩ uy tín nhất trong chế độ Quốc xã để phá hoại
nó từ bên trong.
Về phần mình, Bonhoeffer cũng lâm vào
một tình trạng nan giải. Năm 1940, ông có khả năng bị bắt nhập ngũ, và
ông hết sức bất an với ý tưởng phải phục vụ cho tập đoàn tội phạm Quốc
xã trong bộ quân phục của mình. Nhưng ông coi việc chống đối chiến tranh
vì lý do lương tâm [conscientious objection] là một hành vi tự sát, vì
những người từ chối nhập ngũ thường bị xử tử. Sau khi đơn xin làm tuyên
úy quân đội của Bonhoeffer bị bác bỏ, Dohnanyi và các cộng sự của ông đã
tìm cách cho Bohoeffer được hoãn quân dịch bằng cách tuyển dụng ông làm
liên lạc viên dân sự cho lực lượng phản gián Abwehr. Bonhoeffer về sau
đã trở thành một thành viên chính thức của một tổ chức bí mật chống Quốc
xã tích cực trong hàng ngũ Abwehr. Thành viên của âm mưu này gồm cả Đô
đốc Canaris; Tướng Hans Oster, chỉ huy phó của tổ chức phản gián Abwehr;
Ludwig Beck, cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Đức, và Helmuth James
von Moltke, một sĩ quan Abwehr khác và là một hậu duệ của thống chế lừng
danh Helmuth von Moltke dưới thời Bismark — tất cả đều kinh tởm việc
Hitler đàn áp người Do Thái. Nhưng cũng như Bonhoefer và Dohnanyi, họ
quả quyết rằng những cơ may tốt nhất để chặn đứng Hitler nằm ở vị trí
cận kề nhất với những kẻ điều khiển quyền lực quốc gia, việc này đòi hỏi
một sự đồng lõa bất đắc dĩ với chế độ.
Có lẽ âm mưu có ý nghĩa nhất mà
Bonhoeffer và Dohnanyi đã thai nghén trong thời gian làm nhân viên của
cơ quan phản gián Abwehr là nỗ lực tranh thủ hậu thuẫn của Vương quốc
Anh cho một cuộc đảo chánh. Tháng Năm 1942, Bonhoeffer nhận được tin
George Bell, Giám mục địa phận Chichester và là một nghị sĩ của Thượng
viện Anh, đang thăm viếng Thụy Điển. Bonhoeffer có quen biết Bell và vì
thế đã bay qua Stockholm để gặp ông ta. Ông cho vị Giám mục này hay rằng
một nhóm âm mưu có thanh thế tại Đức sẵn sàng lật đổ chế độ Quốc xã. Và
Bonhoeffer đã yêu cầu chính phủ Anh không nên coi thường cuộc đảo chánh
có tiềm năng xảy ra này và tránh khai thác lợi thế quân sự từ bất cứ
một bất ổn nào có thể xảy ra ở Đức trong trường hợp cuộc đảo chánh thành
công.
Bell chuyển tin nhắn này đến Ngoại
trưởng Anh, Anthony Eden. Nhưng Eden không chịu đưa ra một cam kết nào
dù trên giả thuyết, và với Thủ tướng Anh Winston Churchill, Bell cũng
không thể tiến xa hơn. Nhóm kháng chiến Đức đưa ra những kêu gọi tương
tự với các chính phủ nước ngoài khác nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Do đó,
Bonhoeffer và Dohnanyi không còn mang một ảo tưởng nào về cơ may thành
công của mình, mặc dù trước đó họ cảm thấy cần phải cố gắng giành lấy
một sự động viên tinh thần nào đó, nếu không phải là sự hỗ trợ vật chất
mà phe Đồng minh đang dành cho mọi phong trào kháng chiến tại Châu Âu
ngoại trừ ở Đức.
Căn cứ trên hậu thuẫn bền bỉ của dân
chúng Đức dành cho Hitler, Bonhoeffer và Dohnanyi cũng thừa hiểu những
nguy hiểm mà hành động phản kháng sẽ mang đến cho bản thân mình và gia
đình mình. Như Sifton và Stern nhận xét, những người này đã “hi sinh mọi
điều tốt đẹp trong lãnh vực đời tư để chống lại cái ác trong lãnh vực
công.”
Chính trong tinh thần này mà năm 1942
Dohnanyi đã tổ chức đưa lậu 14 người Do Thái từ Berlin sang Thụy Sĩ,
ngụy trang họ như những nhân viên tình báo Đức, việc này cho phép cả
nhóm đi qua biên giới với sự chấp thuận của Heinrich Himmler, trùm SS
Đức. Nhưng đây là một nước cờ rốt cuộc đã đưa Dohnanyi đến tai họa:
tháng Tư 1943, chính quyền Quốc xã đã bắt giữ Dohnanyi và Bonhoeffer với
những cáo buộc về các vi phạm luật tiền tệ liên quan đến việc tài trợ
cho điệp vụ Thụy Sĩ nói trên.
Trong phần cuối của cuốn sách, Sifton và
Stern mô tả thời gian tù kéo dài gần hai năm của hai người, ghi nhận
việc họ không chịu khai ra bất cứ một cộng sự nào. Các tác giả mô tả
việc Bonhoeffer và Dohnanyi, khi đối diện với những cuộc thẩm vấn gắt
gao, đã dựa vào trình độ pháp lý và biện chứng thâm hậu của mình trong
một hành vi phản kháng cuối cùng, nhằm bác bỏ những cáo buộc, đe dọa, và
cả những lời nhục mạ của Gestapo. Cả hai bị treo cổ tháng Tư 1945 — chỉ
vài tuần trước khi Hồng Quân chiếm Berlin.
CÁC CUỘC MƯU SÁT NHẮM VÀO HITLER
Chắc chắn là, không phải tất cả mọi
người kháng chiến Đức đều coi việc Quốc xã bách hại người Do Thái là
động cơ thúc đẩy chính. Những tội ác khác của Quốc xã cũng ghê gớm không
kém: đấy là việc đình chỉ bản hiến pháp dân chủ của Đức, việc hủy bỏ
các quyền dân sự, việc hi sinh bừa bãi hàng triệu binh lính, việc tàn
sát tập thể tù binh Xô viết. Trong suốt cuộc chiến tranh, Henning von
Tresckow, một sĩ quan cao cấp, đã lên kế hoạch và âm mưu thực hiện nhiều
cuộc đảo chánh, chủ yếu là những nỗ lực ám sát Hitler. Không một vụ nào
thành công, và sau vụ mưu sát bất thành trong “Chiến dịch Valkyrie”
tháng Bảy 1944, Tresckow tự tử. Nhưng một năm trước khi chết, Tresckow
đã thổ lộ với người bí thư tin cẩn của mình rằng chính việc tàn sát tập
thể người Do Thái đã thúc đẩy ông và những người đồng mưu tìm cách giết
Hitler.
Claus von Stauffenberg, viên đại tá đặt
bom với ý định giết Hitler trong âm mưu Valkerie, cũng khai việc tàn sát
Do Thái là động lực chính đã thúc đẩy ông hành động. Vào tháng Tư 1942,
khi nói chuyện với một sĩ quan tham mưu tại Bộ Tư lệnh tối cao,
Stauffenberg đã bày tỏ phẫn nộ trước sự đối xử thô bạo với thường dân
trên đất Nga do Đức chiếm đóng, với việc tàn sát tập thể người Do Thái,
và việc bỏ đói tù binh Xô viết. Vào tháng Năm, khi nhận được báo cáo của
các nhân chứng về việc nhân viên SS đã tập trung người Do Thái tại một
thị xã của Ukraine, bắt họ tự đào huyệt, rồi xả súng bắn vào họ,
Stauffenberg hạ quyết tâm là Hitler cần phải bị trừ khử. “Chúng đang bắn
giết hàng loạt người Do Thái,” ông nói với một sĩ quan khác sau đó.
“Những tội ác này không được phép tiếp diễn.”
Tresckow và Stauffenberg không phải là
những nhân vật đơn độc bênh vực người Do Thái: hồ sơ Gestapo còn sót lại
trích dẫn từng trường hợp của 15 cá nhân, trong số hàng chục người phản
kháng tìm cách giết Hitler vào tháng Bảy 1944, đã khai với nhân viên
thẩm vấn rằng họ chống lại chế độ Quốc xã vì chế độ này đã bách hại
người Do Thái. Sau hàng tháng liên tục thẩm vấn và tra tấn những kẻ đồng
mưu với họ, Gestapo kết luận rằng toàn bộ sự bất mãn bên trong đối với ý
thức hệ Quốc xã — đặc trưng của những người thuộc giới âm mưu phản động
– phơi bày rõ nét nhất trong lập trường của họ đối với Vấn đề Do Thái…
Họ ngoan cố giữ lấy lập trường phóng khoáng về việc phải ban bố trên
nguyên tắc cho người Do Thái một địa vị giống hệt đã dành cho mọi người
Đức.
Tại sao các âm mưu ám sát Hitler từ năm
1938 đến 1944 luôn luôn thất bại? Một lý do chủ yếu là, Quốc xã không hề
nương tay trong việc đàn áp bất đồng chính kiến bên trong nước Đức.
Giữa những năm 1933 và 1945, các lực lượng Quốc xã, sử dụng các thủ tục
được nhà nước cho phép, đã hành quyết khoảng 77.000 người Đức về các tội
chính trị và thủ tiêu vô số đối lập trong nước tại các trại tập trung
bất chấp mọi thủ tục pháp lý. Các toà án quân sự Đức hành quyết khoảng
25.000 binh sĩ Đức. (Trong khi đó, các toà án quân sự Đồng minh có liên
quan đến Thế chiến II tuyên án chưa đến 300 vụ tử hình.) Bọn chỉ điểm
Gestapo thường xuyên cản trở các âm mưu thành lập liên minh của những
người chống đối. Đài phát thanh nằm trong đặc quyền kiểm soát của chính
phủ; những người chống đối chỉ còn một cách là sao chép và rải truyền
đơn bằng tay, một phương pháp thiếu hiệu quả, dễ bị cảnh sát phát hiện
và ngăn chặn.
Nếu nội cái việc tán phát các truyền đơn
chống Quốc xã đã là thậm khó, thì việc lên kế hoạch ám sát Hitler thật
không đơn giản chút nào. Tuy vậy, một số âm mưu đã đến chỗ sắp thành
công, và hầu hết đã gặp trở ngại chỉ vì rủi ro, những trục trặc kỹ
thuật, hay những thay đổi ngoài dự kiến trong lịch trình của Hitler. Âm
mưu Valkyrie, mà mục đích chủ yếu là cho nổ một trái bom đựng trong cặp
tài liệu, không phải là một trường hợp ngoại lệ. Đại tá Stauffenberg,
người chỉ còn một mắt và ba ngón tay trên một bàn tay sau thời gian phục
vụ tại Tunisia, là nhân vật then chốt đã bố trí vụ mưu sát này. Vào
sáng ngày 20 tháng Bảy, ông đến Tổng hành dinh Hang Sói của Hitler, trên
mặt trận miền đông, và sắp sửa châm ngòi hai gói thuốc nổ 1000 gram —
một tiến trình bị làm gián đoạn bởi một viên sĩ quan cần vụ; người này
đến yêu cầu Stauffenberg phải khẩn trương đến tham dự một cuộc họp giữa
trưa với Hitler vốn đã bắt đầu. Với nguy cơ bị phát hiện trước mắt,
Stauffenburg cắt ngắn thủ tục châm ngòi và chạy đến phòng họp với chỉ
nửa phần của lượng thuốc nổ mà ông dự trù sử dụng. Quả bom phát nổ, và
Hitler lẽ ra có thể đã bị giết chết nếu cặp hồ sơ của Stauffenberg được
đặt – hay vẫn còn ở vị trí — đủ gần Hitler. Nhưng Stauffenberg đã rời
khỏi phòng họp (để lại cặp hồ sơ) để bay về Berlin, nơi ông là người chủ
mưu duy nhất có đủ quyết tâm và khả năng để điều hành giai đoạn kế tiếp
của cuộc đảo chánh theo kế hoạch.
Điều này cho thấy một sự thật kinh khủng
là, tại Berlin ngoài Stauffenberg ra, không còn ai đáng tin cậy để xúc
tiến công việc tiếp theo sau vụ mưu sát. Tresckow thì đang chiến đấu
trên mặt trận miền đông, còn Bonhoeffer và Dohnnayi thì đã bị Quốc xã
bắt giam. Do đó, Stauffenberg đã đảm nhận một vai trò kép không thể nào
thực hiện được – cùng một lúc điều hành hai bộ phận của một âm mưu đảo
chánh tại hai nơi cách nhau đến 350 dặm [miles]. Việc ông là người duy
nhất có quyết tâm và can đảm để kinh qua toàn bộ nỗ lực này là nguyên
nhân sâu sắc và bi đát hơn cả đã dẫn đến sự thất bại của âm mưu này.
Trong những tuần lễ trước khi bị hành
quyết, Dohnnayi đã đưa ra một gỉải thích tương tự về sự thiếu thành công
của những người chống đối: “Sự trì độn và hèn nhát của những người có
tài sản và có ảnh hưởng, và sự ngu đần của hầu hết tầng lớp sĩ quan đã
làm thất bại mọi nỗ lực phản kháng.” Cách suy nghĩ này, dĩ nhiên, là
điệp khúc thông thường của những người Đức phản kháng khi họ than trách
về tình trạng yếu kém của phong trào. “Kể từ khi Đức chiếm đóng Ba Lan,
ba trăm ngàn người Do Thái trên lãnh thổ này đã bị tàn sát một cách dã
man nhất,” theo một tờ rơi được phát tán năm 1942 bởi Hoa Hồng Trắng,
một nhóm sinh viên phản kháng tại Đại học Munich. “Nhân dân Đức một lần
nữa đang ngủ một giấc u mê, cho phép những tên tội phạm phát-xít này có
đủ táo tợn và cơ hội để tiếp tục hận thù – và chúng đang gieo rắc hận
thù… Mọi người đều phạm tội, phạm tội, phạm tội!” (Những lãnh đạo của
nhóm này, Hans Scholl và em gái là Sophie Scholl, bị chặt đầu một năm
sau đó.)
Sifton và Stern kết thúc tác phẩm của
mình bằng cách đề cập đến việc thậm chí sau khi Quốc xã bị đánh bại, hai
gia đình Bonhoeffer và Dohnanyi vẫn còn bị bôi bác một cách công khai
và chính thức vì là thân nhân của những tên phản quốc. Tại Đức ngày nay,
dĩ nhiên, hai nhân vật phản kháng này đã được chính thức vinh danh.
Nhưng sở dĩ các truyện kể về những người Đức, nam cũng như nữ, thực tâm
chống đối chế độ Quốc xã, vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, một phần cũng
chỉ vì những câu chuyện này sẽ làm ô nhục những người không chịu chống
đối, hoặc vì quá lo lắng về sự sống còn của bản thân, hoặc thiếu cơ hội,
thiếu bản lãnh, hoặc vì đã tích cực hậu thuẫn chế độ Quốc xã. Vì thế,
Sifton và Stern đã có một cống hiến quan trọng là, khám phá cuộc đời của
hai nhân vật đã chọn một con đường mà, theo quan niệm của Dohnanyi,
“một người tử tế tất yếu phải đi.”
____________
PETER HOFFMANN là Giáo sư Sử học tại
McGill University và là tác giả cuốn sách vừa xuất bản gần đây, nhan đề
Carl Goerdeler and the Jewish question, 1923-1942 (Carl Goerdeler và Vấn
đề Do Thái, 1933-1942).
No Ordinary Man: Dietrich Bonhoeffer and Hans von Dohnanyi, Resisters Against Hitler in Church and State
(Những con người không tầm thường: Dietrich Bonhoeffer và Hans von
Dohnanyi, Những người chống Hitler ngay trong Giáo hội và Nhà nước) của
ELIZABETH SIFTON và FRITZ STERN. New York Review Books, 2013, 157 trang,
giá 19.95 USD
Nguồn: Foreign Affairs, July/August 2014. Nhan đề bài viết của pro&contra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét