Ông
Nguyễn Phú Trọng Thăm Hoa Kỳ
Trung
Điền
Diễn Tiến Chuyến Đi
Lúc đầu, phía Hoa
Kỳ đưa đề nghị mời ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước cộng sản Việt Nam (CSVN),
thăm viếng Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 20 năm bang giao giữa CSVN và Hoa Kỳ, theo
đúng nguyên tắc ngoại giao. Nhưng quyết định sau cùng của Bộ chính trị CSVN là
muốn Hoa Kỳ chính thức mời ông Nguyễn Phú Trọng và được đón tiếp như quốc
khách.
Tòa Bạch Ốc đã thả
nổi việc mời này một thời gian vì xảy ra vụ giàn khoan HD 981. Sau đó, Bộ ngoại
giao CSVN đã vận động Ngoại trưởng John Kerry thúc đẩy Tòa Bạch Ốc đồng ý mời
ông Trọng viếng thăm Hoa Thịnh Đốn. Ba tháng sau khi Bắc Kinh rút giàn khoan HD
981, Bộ chính trị CSVN mới cho phép Ngoại trưởng Phạm Bình Minh sang gặp Ngoại
trưởng John Kerry vào trung tuần tháng 10/2014. Trong cuộc gặp này, Ngoại
trưởng John Kerry đã thông báo hai tin.
Thứ nhất là Hoa Kỳ
chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho CSVN.
Thứ hai là Hoa Kỳ
chính thức mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 7/2015.
Lúc đó, Ngoại
trưởng John Kerry không nói rõ cấp nào mời vì trên nguyên tắc ông Trọng không
phải là chủ tịch nước, nên dư luận cho rằng Tòa Bạch Ốc sẽ không mời mà có thể
là Bộ Ngoại Giao hay là Đảng Dân Chủ.
Cuối tháng 3/2015,
nhân dịp đến Việt Nam dự Đại hội đồng IPU 132, cựu Chủ tịch Hạ viện và hiện là
lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi – một đồng minh chiến
lược của Tổng thống Obama - gặp ông Nguyễn Phú Trọng và đã chuyển lời mời chính
thức của ông Obama đến Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 13/5/2015,
xuất hiện trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), đại sứ Hoa Kỳ tại Việt
Nam, ông Ted Osius đã chính thức cho biết Tòa Bạch Ốc sẽ đón tiếp ông Nguyễn
Phú Trọng với những nghi thức cao cấp nhất.
Trung tuần tháng
6/2015, một viên chức cao cấp thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã “tiết lộ” cho giới
truyền thông vùng Hoa Thịnh Đốn, lịch trình viếng thăm của ông Trọng sẽ kéo dài
trong 5 ngày bao gồm ngày đến và ngày về từ mồng 5 tháng 7 đến mồng 9 tháng 7
năm 2015.
Tổng thống Obama
sẽ tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc lúc 10:30 sáng mồng 7 tháng 7
khoảng 45 phút. Sau đó, ông Trọng và phái đoàn sẽ tham dự buổi Luncheon tại Bộ
ngoại giao do Ngoại trưởng John Kerry khoản đãi.
Buổi chiều cùng
ngày, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nói chuyện về “Quan hệ Việt-Mỹ trong một thế giới
đang thay đổi” tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS). Đây
cũng là nơi mà ông Trương Tấn Sang đến nói chuyện vào năm 2013 khi đến thăm Hoa
Kỳ.
Ngày 8 và 9 tháng
7, ông Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn sẽ di chuyển lên Nữu Uớc, viếng thăm và
gặp Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, gặp ông bà cựu Tổng thống Bill
Clinton, nói chuyện với lãnh đạo đảng Cộng sản Hoa Kỳ và giới trí thức thân
cộng và một số doanh nghiệp.
Ông Trọng và phái
đoàn rời Nữu Uớc vào buổi tối ngày 9/7 bằng chuyên cơ riêng.
Nội Dung Trao
Đổi
Việc Tổng thống
Obama và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã gác “thủ tục” ngoại giao để mời ông Nguyễn
Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN, viếng thăm chính thức Hoa Kỳ cho thấy có sự
thay đổi trong cách tiếp cận với lãnh đạo Hà Nội.
Từ trước đến nay,
lãnh đạo cao cấp của Bộ ngoại giao hay Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ thường
chỉ liên lạc cấp chính phủ, nhà nuớc, không có nhiều liên hệ đến bộ phận đảng.
Việc mời Tổng bí thư đảng viếng thăm chính thức, Hoa Kỳ bắt đầu muốn “vói tay”
đến các cấp đảng ủy trong tương lai.
Điều này không có
nghĩa là Hoa Kỳ dành mọi dễ dàng hay thân thiện hơn với đảng CSVN, mà mục tiêu
là để trực tiếp đối thoại những vấn đề then chốt liên quan đến chiến lược chung
của hai bên.
Vì thế, trong chuyến
đi Mỹ lần này, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ cùng với ông Obama ít ra giải quyết 4
vấn đề then chốt sau đây:
1/ Quan điểm
của hai bên về vấn đề biển Đông. Trước
thái độ hung hăng và bành trướng của Bắc Kinh đang đe dọa tự do hàng hải của
Hoa Kỳ và các quốc gia khác, Hoa Kỳ và CSVN sẽ có những hợp tác như thế nào
theo quan điểm xây dựng “quan hệ chiến lược toàn diện” mà ông Trương Tấn Sang
đã đồng ý trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 2013.
Đương nhiên trên
bề nổi, CSVN vẫn tuyên bố kiểu nước đôi là không liên minh bất cứ nước nào để
chống nước kia, nhưng giữa hai người ở vị trí số 1, ông Trọng không thể né
tránh trả lời quan điểm của Hà Nội đối với Trung Quốc, nếu muốn có sự hợp tác
tích cực của Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Kể từ năm 1975 cho
đến nay, CSVN có ít nhất ba cơ hội lớn để mở rộng quan hệ tích cực với Hoa Kỳ.
Năm 1977 - 1978
dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Lúc đó Hoa Kỳ muốn tái lập ngoại giao sau
chiến tranh nhưng Hà Nội đã ngạo mạn đòi Mỹ bồi thường chiến tranh mới đồng ý;
nhưng trong thực tế lúc đó, Hà Nội đang ngã vào Liên Xô để chuẩn bị cuộc chiến
tranh xâm chiếm Campuchia hầu thiết lập liên bang Đông Dương.
Năm 1994 – 1995
dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Lúc đó Hoa Kỳ muốn xây dựng quan hệ toàn
diện với Việt Nam, nhưng CSVN đã ngã vào Trung Quốc và coi Hoa Kỳ là kẻ thù
nguy hiểm đã dùng diễn biến hòa bình làm sụp đổ khối cộng sản Liên Xô.
Năm 2013-2015 dưới
thời Tổng thống Obama. Hoa Kỳ đã đưa ra chính sách xoay trục về Á Châu Thái
Bình Dương và muốn tiếp cận với CSVN để mở ra thời kỳ hợp tác toàn diện. Nhưng
CSVN chỉ mới bắt đầu từ sau vụ giàn khoang HD 981 và còn lấn cấn vì không muốn
mất chỗ dựa Bắc Kinh.
Nói tóm lại đây là
cơ hội tốt nhất để CSVN mạnh dạn trao đổi với Hoa Kỳ về tình hình biển Đông và
mở ra thời kỳ hợp tác mới.
2/ Hợp tác quốc
phòng và mua vũ khi sát thương. Lần
đầu tiên Bộ quốc phòng Hoa Kỳ và CSVN ký chung một văn kiện về tầm nhìn chung
trong quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt là một bước tiến đáng kể trong việc tạo dựng
niền tin mà phía Hà Nội cho là nền tảng lớn của sự hợp tác lâu dài.
Tướng Nguyễn Chí
Vịnh giải thích việc xây dựng niềm tin giữa Hoa Kỳ và CSVN dựa trên 3 yếu tố:
1/ không còn là kẻ thù của nhau; 2/ không dùng vũ lực đối với nhau; 3/ không
đem vũ khí để đối đầu nhau mà cần hợp tác để gìn giữ hòa bình và cùng phát
triển. Dựa trên nền tảng này thì đây là lúc mà mẫu số chung giữa CSVN và Hoa Kỳ
lớn hơn nhiều lần so với mẫu số chung giữa CSVN và Trung Quốc.
Nếu ông Trọng và
lãnh đạo Hà Nội hành xử đúng như điều mà ông Vịnh giải thích về “niềm tin” nói
trên, thì việc mua vũ khí sát thương từ Hoa Kỳ không còn là vấn đề quá khó
khăn.
3/ Hiệp định
đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Cả
Hoa Kỳ và CSVN đều mong muốn CSVN tham gia và coi TPP là một sân chơi mới không
chỉ trong lãnh vực kinh tế mà còn bao trùm lên các lãnh vực chính trị, xã hội.
Mặc dù TPP có 12
thành viên, nhưng Hoa Kỳ giữ vị trí quyết định, chi phối rất lớn lên sự tham
gia của các nước thành viên. Vì thế, để gia nhập TPP, CSVN phải lọt qua các
vòng đàm phán với Hoa Kỳ.
Về phía Hoa Kỳ,
TPP là một công cụ quan trọng để ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh, và TPP
cũng như nơi tiêu thụ hàng hóa sản phẩm của Hoa Kỳ. Về phía Cộng sản Việt Nam,
TPP không chỉ giúp gia tăng xuất khẩu mà còn là nơi thu hút đầu tư và mở rộng
các hoạt động về dịch vụ mang tính toàn cầu.
Muốn đạt kết quả
nói trên, trong chuyến đi này ông Trọng sẽ phải vận động ông Obama và Bộ thương
mại Hoa Kỳ: 1/ Công nhận VN là nền kinh tế thị trường; 2/ Cam kết sự ưu đãi đối
với hàng dệt, may nhập từ Việt Nam.
Ngược lại, Hoa Kỳ
sẽ đòi hỏi ông Trọng mấy việc sau đây: 1/ Giảm nhập nguyên liệu từ Trung Quốc
đặc, biệt là tơ sợi phải nhập từ Hoa Kỳ; 2/ Cam kết thi hành những điều khoản
liên quan đến quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, môi trường,
công đoàn trong TPP.
4/ Những vấn đề
liên quan đến nhân quyền và tù nhân lương tâm. Đây là vấn đề mà ông Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn
CSVN sẽ liên tục bị đặt câu hỏi hoặc yêu cầu phải chấm dứt những đàn áp các nhà
dân chủ, trả tự do cho một số tù nhân tiêu biểu như Anh Trần Huỳnh Duy Thức,
Chị Tạ Phong Tần, Linh Mục Nguyễn Văn Lý.
Phản Ứng Của
Bắc Kinh
Bắc Kinh không
những không thích mà còn tìm cách đe dọa chuyến đi thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn
Phú Trọng. Sự kiện Bắc Kinh cho mang giàn khoan 981 vào gần vùng biển của Việt
Nam trong khu vực Hoàng Sa vào ngày 27/6 vừa qua là hành động đe dọa.
Bắc Kinh biết rất
rõ là khi ông Trọng thăm viếng Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ bị Hoa Kỳ lôi kéo để có
những quan điểm và hành động tích cực hơn về biển Đông.
Một trong điều mà
Trung Quốc lo ngại là Hoa Kỳ sẽ giúp CSVN tân trang phương tiện máy móc, kể cả
huấn luyện để CSVN có thể tham gia vào các cuộc tuần tra hỗn hợp trên biển Đông
với Phi Luật Tân, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Châu mà Hoa Kỳ đã và đang vận động.
CSVN khó có thể từ
chối việc tuần tra chung này vì hoàn toàn mang lại lợi ích cho chính Việt Nam.
Đó là giúp bảo vệ ngư trường cho ngư dân Việt Nam an tâm làm ăn và ngăn chận sự
cải tạo các đảo, bãi đá chìm để quân sự hóa biển Đông.
*
Nói tóm lại, lúc
đầu Hoa Kỳ không đánh giá cao ông Nguyễn Phú Trọng vì sau đại hội đảng 12, ông
Trọng sẽ về hưu và không còn nhiều ảnh hưởng chính trị.
Tuy nhiên ông
Trọng đại diện cho khuynh hướng bảo thủ và chắc chắn còn nhiều đàn em ở lại
trong Bộ chính trị và Trung ương đảng cho nhiệm kỳ tới nên việc đón tiếp ông
Trọng lần này, Hoa Kỳ muốn mở ra một kênh liên lạc với đảng để có thể giải
quyết nhanh chóng những quan hệ ở cấp chiến lược, đặc biệt là vấn đề an ninh,
an toàn biển Đông và TPP.
Trung Điền
Ngày 30/9/2015
Ngày 30/9/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét