Ngoại giao Đông-Á dưới thời Donald Trump
Đoàn Hưng Quốc
Donald Trump lên làm Tổng Thống đặt ra tình
huống vô cùng khó xử cho cả Trung Quốc lẫn khối ASEAN.
Từ nhiều năm nay các nước nhận định rằng
thế lực của Hoa Lục ngày càng tăng trong khi ảnh hưởng của Mỹ giảm dần tại Đông-Á.
Cho nên dù Tổng Thống Obama có chuyển trục hay thúc đẩy TPP nhưng Lào, Cam Bốt,
Thái Lan, Phi và Mã đều “thức thời” nghiêng dần về phía Trung Quốc, một mặt vì
lợi ích kinh tế trước mắt phần khác do Bắc Kinh không đòi hỏi các chuẩn mực về
nhân quyền, dân chủ hay môi trường.
Dù vậy các nước vẫn trông cậy vào sự che
chở của Hoa Kỳ để ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc trong khi chưa tìm ra
một giải pháp lâu dài cho khu vực. Thái độ này lâu ngày trở thành chính sách “đu
dây” giúp mỗi quốc gia thu vào quyền lợi ngắn hạn trong khi tránh né những câu
hỏi lâu dài . Nếu chỉ có một liên minh công khai giữa Hoa Kỳ và các nước trong
khu vực mới vẽ ra được làn ranh đỏ ngăn chận ý đồ bành trướng của Bắc Kinh thì
ngược lại mọi quốc gia kể cả Mỹ, Nhật, Úc, Ấn đều chỉ chọn những bước nửa vời vì
sợ làm mất lòng Trung Quốc.
Ngược lại Bắc Kinh cũng muốn tiếp tục chính
sách “tầm ăn dâu” thay vì nhanh chóng thay đổì nguyên trạng. Thứ nhất Trung
Quốc chưa đủ mạnh; thứ nhì theo kế hoạch “hấp tôm hùm” thì tránh được rủi ro
(con tôm hùm khi bỏ trong nồi nấu thật chậm đến chết không dảy dụa).
Nhưng chính yếu vì Hoa Lục hưởng lợi nhiều
nhất từ trật tự an ninh do Mỹ bảo hộ nhằm thúc đẩy mậu dịch toàn cầu. Bắc Kinh
muốn đẩy dần ảnh hưởng của Mỹ khỏi vùng Đông-Á nhưng không vội vả vì sợ làm gián
đoạn hải lộ và con đường thương mại huyết mạch ngang biển Đông. Giải pháp vẹn
toàn của Trung Quốc là đợi đến năm 2030 khi quân đội đủ mạnh để ngăn chận hải
quân Mỹ bên ngoài chuỗi đảo thứ hai còn nền kinh tế tiến lên hàng đầu thế giới
trước khi độc chiếm biển Đông.
Donald Trump không biết vô tình hay có
chủ mưu đã khiến Bắc Kinh và các nước Đông-Á bất ngờ vì phải đối diện với các
thực tế này sớm hơn mong muốn.
Các nước Đông-Á sẽ phải chọn lựa thái độ
giữa (1) nếu Hoa Kỳ thật sự cứng rắn như đã đe dọa phong tỏa các đảo nhân tạo,
hay (2) nếu chần chờ do dự đến khi Mỹ thương thuyết chia xẻ quyền lợi với Bắc
Kinh hay rút ra khỏi Biển Đông như đã hũy bỏ TPP (có những cánh trong chính trường
Mỹ muốn đặt trọng tâm nơi Bắc Á, Âu Châu và Trung Đông và tránh chấp với Hoa
Lục).
Tập Cận Bình đang tự hỏi nếu Mỹ tiếp tục
dọa phong tỏa Trường Sa thì Trung Quốc có sẳn sàng chiến tranh hay không? Chọn
lựa phản ứng thế nào thích hợp để không đẩy hai bên vào thế không thể lùi được
khi mà chính Trung Quốc cũng muốn tránh né xung đột.
(Một nhận xét bên lề khi ông Tillerson
cho biết có thể ngăn chận Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo thì các “chuyên
viên” Tây Phương đều bình luận liệu Mỹ có dám chiến tranh hay không, nhưng không
ai đặt vấn đề ngược lại là liệu Bắc Kinh có dám chiến tranh hay không? Thái độ này
cho thấy tâm lý nửa vời của Tây Phương vốn thường bị Hoa Lục khai thác tuyệt đối).
Ngược lại Trung Quốc có cần phải công
khai quân sự hóa Biển Đông trên quy mô lớn để răn đe hay không? Thái độ này sẽ
buộc nhiều nước ASEAN và Nhật, Úc, Ấn phải quyết định liệu có công khai liên
minh với Hoa Kỳ hay không.
Người viết không tin rằng sẽ có chiến
tranh Mỹ-Trung và Hoa Kỳ cũng sẽ không phong tỏa các đảo nhân tạo giống như
Cuba năm 1962. Nhưng trong hoàn cảnh Biển Đông hiện thời chỉ cần sự hiện diện của
1 hay 2 tàu chiến cũng đủ để mọi nhà lãnh đạo trên thế giới căng thẳng tự hỏi
liệu có ai dám bắn phát súng đầu tiên hay không?
Ông Trump tạo hình ảnh ông dám liều lĩnh
thấu cáy cho dù không ai biết ông đã lường được hậu quả hay không. Việc ông chê
NATO, rút khỏi TPP hay tạo căng thẳng với Mexico ngay khi vừa mới lên làm Tổng
Thống có thể chỉ là những bước dạo đầu chuẩn bị tư thế cho màn chính trong cuộc
tranh hùng thế kỷ Mỹ-Trung. Trước đây người viết nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ “nắng gân”
ông Trump sau khi vừa nhậm chức nhưng nay có thể ông Trump sẽ “sờ đít cọp mới
biết cọp giấy” – như lời của Đặng Tiểu Bình mỉa mai Liên Xô năm 1979.
Tỷ phú Carl Icahn ngay sau khi được Tổng
Thống Trump chọn làm cố vấn đặc biệt đã trả lời phỏng vấn với CNBC ngày
12/22/2016 rằng chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc nếu có xảy ra nên sớm tốt hơn
là muộn. Nhận xét này có thể khai triển rộng ra rằng Hoa Lục hiện giống như con
cua đang lột vỏ ở vào giai đoạn yếu nhất trong quá trình chuyển đổi mô hình
kinh tế từ đầu tư sang tiêu thụ, phải giải quyết núi nợ khổng lồ cùng những
tranh chấp quyền lợi và quyền lực giữa các khối lợi ích, nếu chờ thêm vài năm nửa
khi Trung Quốc phục hồi sẽ muộn.
Nhiều nhà quan sát nhận định rằng Mỹ rút
ra khỏi TPP là cơ hội cho Trung Quốc lấp vào khoảng trống. Nhưng Bắc Kinh hiện chưa
chuẩn bị tư thế lãnh đạo, họ vẫn theo mô hình duy lợi nhuận (mercantilism) nên vội
vã tham lam tất sẽ gặp nhiều chống đối từ các nước bị khai thác một chiều.
Đối với các nước ASEAN (và NATO) thì ông
Trump dùng lá bài “suis l’amour l’amour fuit, fuit l’amour l’amour suit”(Theo tình
tình bỏ, bỏ tình tình theo). Trước đây khi Obama chỉ gởi tàu chiến chạy vô hại (innocent
passage) thì vài nước đã yêu cầu Hoa Kỳ đừng tạo căng thẳng Biển Đông; nay Mỹ rút
khỏi TPP và dọa phong tỏa các đảo nhân tạo thì ngoại trưởng Úc tuyên bố rất cần
sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.
Tuy nhiên liên minh nhằm ngăn chận sự bành
trướng của Trung Quốc vẫn còn là ý tưởng nhưng chưa được phác thảo, lý do vì sợ
làm Bắc Kinh giận dữ. Nhưng trong hoàn cảnh bất định khi không còn dựa vào chiếc
dù an ninh của Mỹ thì mỗi quốc gia trong khu vực không còn tránh né câu trả lời
là liệu thần phục hay hợp sức lại để tạo thế lực cân bằng với Trung Hoa – liên
hoành hay hợp tung? Cái khó nơi mềm cứng chổ nào để duy trì thương mại với nền
kinh tế nhất nhì trên thế giới đồng thời khuyến khích Trung Quốc không trở nên
mối đe dọa trong khu vực.
Nếu có một liên minh nếu thành hình thì
các nước Á-Châu phải chi tiền và chấp nhận rủi ro chớ không thể núp bên sau chiếc
dù an ninh. Lý do là ông Trump sẽ đòi sòng phẳng, Mỹ không đủ sức bao thầu, các
nước Đông-Á phải tự quyết tâm bảo vệ mình trước trong khi Hoa Kỳ chỉ là cây cột
để tựa vào chớ không phải mặt tiền.
Bà Merkel muốn tăng gấp ngân sách quốc
phòng lên 2.5% dù hàng chục năm nay nước Đức không giữ mức cam kết với NATO. Ông
Trump đòi Nhật-Hàn phải trả thêm tiền cho lính Mỹ đồn trú thì ngược lại ông cũng
yêu cầu Quốc Hội cho tăng con số tàu chiến lên 355; nước Mỹ nếu muốn tự cô lập
không cần đến số tàu này để tự bảo vệ. Dù chưa ai biết chính sách ngoại giao của
ông Trump ra sao nhưng ông cũng đã làm đão lộn tâm lý thụ động (inertia) của các
đồng minh truyền thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét