Giám thị tư tưởng (political correctness)
Đoàn Hưng Quốc
Ở
những nước độc tài toàn trị như Việt Nam có kiểm duyệt và bưng bít thông tin.
Tây Phương và nhất là Hoa Kỳ lại có tình trạng giám thị tư tưởng. So sánh như
vậy tuy dễ tạo hiểu lầm vì nước Mỹ không ngăn cấm, đánh đập hay bắt bớ những
người bất đồng quan điểm nhưng giám thị tư tưởng lại là một trong những nguyên
nhân chính khiến số đông dân chúng bất bình bỏ phiếu cho ông Trump; riêng trong
cộng đồng Mỹ gốc Việt hiện tượng này đã tạo nên nhiều bất đồng tranh cãi vô
cùng gay gắt cho nên đây là một đề tài cần nên tìm hiểu.
Nói
chung dù tả hay hữu khi nào có một phe tự cho rằng mình nắm vững chân lý của
thời đại và không lắng nghe những lời phê bình chỉ trích thì sẽ gặp phản ứng
gay gắt từ phía đối diện. Tại Hoa Kỳ tuy vẫn có một tầng lớp vô cùng bảo thủ
(như những người gõ cửa nhà đi truyền giáo) nhưng nói chung cánh tự do cấp tiến
(liberals) ảnh hưởng mạnh hơn trong học đường, truyền thông và xã hội.
Các tư
tưởng về tự do, bình đẳng, môi trường, toàn cầu hóa đều đúng đắn nên cần được
phát huy; nhưng khi những quan điểm này trở thành nề nếp cứng ngắt bắt mọi
người suy nghĩ trong khuôn mẫu lại trở thành mô thức tự do toàn trị (liberal
hegemony). Thí dụ quyền tự do của giới đồng tính LGBT hay phá thai không phù
hợp với nền tảng đạo đức và tôn giáo của nhiều người nhưng thay vì lắng nghe
lại chỉ có những lời hò hét rao giảng một thứ luân lý mới. Đa số người Mỹ không
chống di dân nhưng lại không thể chấp nhận việc chối cãi khía cạnh của những
người thiểu số đem theo tội phạm, lạm dụng an sinh xã hội, hay phủ nhận Hồi
giáo phong kiến là mối đe dọa cho nền văn minh Tây Phương.
Có lẽ không cần nói xa xôi trừu tượng mà trong nhiều gia đình Mỹ
gốc Việt nếu ai đã gặp một thanh thiếu niên theo tư tưởng tự do (liberals) đều
biết rất khó đối thoại vì chỉ có thái độ dạy đời ta đây (know it all) - người
viết xin lỗi khi dùng từ ngữ sống sượng này nhưng chỉ nhằm diễn đạt tâm lý vô
cùng bực bội khi người dân Mỹ bỏ phiếu chống tầng lớp tự do cấp tiến.
Tư
tưởng tự do được giới tinh hoa (elites) chấp nhận nên tạo ảnh hưởng mạnh trong
truyền thông dòng chính (mainstream media), học đường và ở hai miền ven biển là
nơi du nhập nhiều sắc dân theo trào lưu toàn cầu hóa. Trái lại các vùng trong
nội địa theo tư tưởng bảo thủ và một số không ít dân chúng mất công ăn việc làm
do hãng xưởng chạy sang Nam Mỹ và Đông Á, nhưng thế lực chính trị và tiếng nói
phản kháng của họ mất dần cho đến khi có Internet.
Facebook,
Twitter và blog đã san bằng mặt phẳng ngôn luận và tạo ra một luồng truyền
thông dòng ngược (alternative media). Tranh luận giữa báo chí dòng chính và dòng
ngược không phải để phân biệt ai đúng hay sai vì mỗi bên chỉ nhằm công kích
tính chính đáng (legitimacy) và cho rằng đối thủ không đại diện tiếng nói của
dân thường. Thông tin dòng chính như CNN và New York Times bị lên án làm công
cụ của thành phần ưu tú vì chọn lọc thông tin và nhồi nhét chủ nghĩa tự do,
trong khi thông tin dòng ngược bị tố cáo tung tin giả (fake news) để mỵ dân.
Trở
lại cộng đồng Mỹ gốc Việt từ lâu chịu áp lực nặng nề của nề nếp giám thị tư
tưởng nhưng lại từ cánh hữu. Tuy kinh nghiệm sống và quan điểm của cộng đồng về
lịch sử và hiện tình chính trị tại Việt Nam có đúng nhưng do thái độ thiếu lắng
nghe mọi quan điểm khác biệt đâm ra mất bạn thêm thù. Dù không có thông tin
dòng ngược nhưng khoảng cách và sự xa lánh của thế hệ thứ nhì và thứ ba cho
thấy khuôn khổ suy nghĩ của cộng đồng không thu hút đa số giới trẻ Mỹ gốc Việt
- chưa nói đến đa số giới trẻ ở Việt Nam.
Political
correctness ban đầu chỉ để lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, chẳng hạn như gọi
African-American thay vì Niggers (tương tự Việt Nam dùng chữ Hoa Kiều thay vì
Chệt) nhưng dần dần trở nên một hệ thống giám thị lời nói, tư tưởng và hành vi
mà đả phá mọi khác biệt. Tuy ở Mỹ không bắt bớ giam cầm như tại Việt Nam hay
ném đá tử hình như các nước Hồi giáo thủ cựu nhưng áp lực của giám thị tư tưởng
rất nặng nề như doanh nghiệp đụng chạm với LGBT có thể bị tẩy chay thua lỗ (hay
phạt vạ) hàng triệu USD, cho nên tự do lúc nào cũng phải có đối thoại và tranh
đấu thì mới không xơ cứng trở thành độc tài toàn trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét