Một
cụ già 92 tuổi từ Hà Nội vào Đà Lạt du lịch, tìm đến thăm tôi. Ông cụ 92 tuổi
này là đảng viên (có lẽ cũng từ tiền khởi nghĩa) nói đã tự ý bỏ đảng (không
tuyên bố) từ lâu, từ lúc ông cụ giật mình nhận ra mình đang ở trong đảng của một “thần
tượng” cứu nước mà vô tình hóa ra… “Cõng
rắn cắn gà nhà”, hoặc ít ra cũng là “rước rắn vào nhà”, thì không có lý do gì một người VN yêu nước biết
trọng danh dự lại còn ở trong đảng của ông ấy nữa! (Chứng tỏ từ lâu đã có những đảng viên nhận thức được như vậy). Lời
tâm sự mộc mạc của ông cụ tuy không phải điều phát hiện gì mới mẻ, vì nhiều
người đã biết, nhưng gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi thường được nghe một số
đảng viên bỏ đảng vì thấy đảng bây giờ thoái hóa không còn trung thành với HCM,
chứ bỏ đảng vì nghi ngờ tác dụng cứu nước của chính ngọn cờ HCM thì quả thực
còn hiếm.
Nghĩ
kỹ mà xem, người đảng viên già này có lý.
Trước
hết phải hệ thống lại quá trình cố thủ của CSVN trước cơn bão táp sụp đổ của CS
toàn thế giới và làn sóng dân chủ hóa đất nước.
-
Đầu tiên, thấy Mác-Lê đã bị thế giới bóc trần tính ảo tưởng, phi lý, phi dân
chủ và phản tiến hóa, đảng ta giảm nhẹ dần Mác-Lê để rút về với “Bác Hồ”. Nhân
vật vĩ đại ắt phải có tư tưởng vĩ đại, nhưng cái pháo đài “tư tưởng HCM” không vững vì chính HCM đã nói“Tôi chẳng có tư tưởng gì
ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê,
các vị Stalin, Mao Trạch Đông đã viết hết cả rồi”,và thực tế tất cả giáo lý
của HCM không có gì ngoài những quan điểm Chuyên chính Vô sản đã được “Khổng-
Mạnh hóa và Nông dân hóa” (dễ hiểu thôi, vì Nho giáo và Nông dân chính là
mảnh đất lý tưởng để gieo rắc chủ nghĩa Mác-Lê).
- Sau đó chống chế rằng HCM có tư tưởng chứ, đó là
“Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội”, nhưng rồi cái đuôi “chủ
nghĩa xã hội” cũng chẳng vững chắc gì, bèn tô đậm thêm cho HCM chẳng những
ưu việt về tư tưởng mà cả về “đạo đức, phong cách”, nhưng “đạo đức và
phong cách” của HCM cũng không ít chuyện rắc rối.
- Chừng ấy thành trì đều lung lay, nên những đảng
viên thức thời nhất đã bỏ phắt cái đuôi Mác-Lê để cứu HCM và cũng để cứu mình khỏi
chết chùm với con tàu CS thế giới, nên lập luận “HCM chỉ là
người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải người Cộng sản, chỉ dùng CS làm
phương tiện!!!. Đã rút về một HCM lại thu gọn về một “chủ nghĩa yêu nước”, bỏ tuốt
tuột những yếu tố cộng sản, tư tưởng, với đạo đức vẫn thường gây rắc rối, thì sự
cố thủ trong lô-cốt ấy tưởng vững như bàn thạch, vì cụ Hồ giương cao cờ đánh
giặc cứu nước, giành độc lập cho dân tộc thì ai còn cãi được?
Nhưng không, ác hại là bọn giặc Tàu xâm lược không
để cho cái lô-cốt ấy được yên. Chúng phải khai triển cái chương trình bành
trướng đã hoạch định từ lúc ông Hồ còn sống, chúng cứ lấn từng bước, ngoạm từng
mảng như tằm ăn dâu, miếng ngoạm nào cũng nhân danh “tình hữu nghị mà bác Hồ và bác Mao đã dày công xây đắp, đó là tài sản
vô giá của hai dân tộc”! Thế là câu chuyện “cõng rắn” ngày càng vỡ lở.
(Nói rõ thêm: Thế là những gì trong trang
sử quá khứ phải được lật ra xem lại. Là người Việt Nam đích thực không ai có
thể quên một nghìn năm Bắc thuộc do kẻ thù phương Bắc gây ra, các chế độ của
Trung quốc có thể thay đổi nhưng dã tâm ấy thì xuyên suốt không hề phai nhạt.
Vậy thì một người Việt Nam yêu nước có thể quên điều ấy hay không? Nếu còn nhớ
mối nguy truyền kiếp là Tàu thì sao lại lập một chương trình cứu nước xuất phát
từ Tàu, lấy căn cứ địa là Tàu, đi lính cho Tàu, lấy vợ Tàu, nhận viện trợ toàn
diện của Tàu, nhận cố vấn Tàu, ốm đau chỉ sang Tàu chữa bệnh, khi ngồi với các lãnh
tụ Tàu thì bộc lộ sự vui sướng hơn ngồi với những người ruột thịt…?.
Tóm lại một câu: Dù với động cơ muốn cứu nước
chăng nữa nhưng những chuỗi ứng xử như thế dứt khoát mở đường cho Trung Cộng
xâm nhập vào Việt Nam, trải thảm đỏ cho con chó sói đàng hoàng đặt cả 4
chân vào căn nhà Việt Nam. Gọi thế là “cõng
rắn cắn gà nhà” hay “rước voi giày mả
tổ” chắc không có gì quá đáng. Những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc ngày xưa
mang danh phản quốc cũng chưa thực hiện được một phần trăm công việc giúp Tàu
xâm nhập Việt Nam đến thế. Mục đích tốt nhưng cách đi sai lầm nên gây hiệu quả
ngược. Kích thích dã tâm bành trướng của Trung Cộng còn vô tình làm ảnh hưởng
xấu đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước nữa.)
Có thể giải thích rằng HCM đã bị cái ảo tưởng “thế giới đại đồng” của CS che mắt nên
không nhìn ra kẻ thù, tưởng rằng Tàu CS là anh em trong gia đình XHCN thì khác
hẳn Tàu phong kiến. Nếu thế thì ý thức CS đã chiếm lĩnh cả tâm hồn HCM, khiến
HCM quên cả chiến lược giữ nước của tổ tiên trước kẻ thù phương Bắc, sao lại
bảo HCM chỉ yêu nước chứ thực sự không phải người CS? Và dù bị ý thức CS che
mắt nên mới mắc sai lầm thì hậu quả tai hại sẽ mất nước trước hết vẫn đặt lên
vai người dẫn đường, sau đó là do “tầm” của cả dân tộc nói chung, không phải
riêng một người hay một số người, đến khi nhận ra thì cái giá phải trả quá lớn.
Có thể bảo đó là sự hạn chế của lịch sử chăng? Sự
cố lịch sử nào cũng do con người tiến hành, đều là sự hội tụ của những yếu tố
chủ quan và khách quan, nhưng muốn chủ quan là yếu tố năng động có thể hành
động tốt hơn thì phải tìm ra ưu điểm-khuyết điểm chủ quan, tìm đúng nguyên nhân
thành công và thất bại để rút ra bài học cho những việc sắp tới.
Một hiện tượng thường gặp, trước một quá khứ đã
được đánh giá là sai lầm, người ta thường chốt lại một câu “bây giờ biết thế là sai nhưng lúc ấy tôi
chọn con đường ấy là đúng, là tất yếu, nếu lịch sử lặp lại tôi vẫn đi con đường
đó, vì đó là điều kiện khách quan của Lịch sử, là sự hạn chế của Lịch sử”.
Thằng Lịch sử luôn được lôi ra làm Lê Lai cứu chúa, nhưng xin hỏi: Lúc ấy đã
xuất hiện nhiều con đường, đã có người khác, nơi khác chọn con đường khác và họ
đã thành công kia mà? Sự chọn sai đường là do chủ quan mình có sai lầm về nhận
thức hoặc tâm lý, là do trình độ. Đổ lỗi cho khách quan chẳng qua là để nhận
sự sáng suốt về cho mình kiểu tự hào AQ. Tự cho mình là “sáng suốt” như
vậy thì tất yếu sẽ tiếp tục đi từ “sáng suốt sai lầm” này đến những “sáng suốt sai lầm” khác mà thôi, sự
hạn chế vẫn cứ do Lịch sử chứ không phải do trình độ. Dù là trình độ chung của
dân tộc, hay một vài dân tộc, của dân trí, không phải của một cá nhân riêng lẻ,
cũng phải tự phê phán mới mong thoát khỏi nạn lạc hậu triền miên của một đất
nước được suy tôn là bậc “không chịu phát
triển”!
Nay
trở lại quá khứ để xem xét, với nhận thức toàn cầu hôm nay, rõ ràng việc chọn
con đường Cộng sản để cứu nước và phát triển đất nước là sai lầm. Đi sai quy
luật, phản khoa học nên xã hội không phát triển được đã đành, nhưng phải mượn
sức mạnh của Liên xô, nhất là Trung quốc để cứu nước mới là sai lầm tai hại
hơn, vì như Phan Châu Trinh đã nói mà Nguyễn Ái Quốc không chịu nghe lời: “Lực mình yếu mà muốn dùng bạo lực tất phải
nhờ vả người khác, thế thì “thảng như cái phương
pháp của ông Phan (Phan Bội Châu) mà thành công, thì quốc dân đồng bào vẫn
nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi”.
(thư PCT gửi Nguyễn Ái Quấc-
Tàu
muốn cưỡi lên lưng Việt Nam một lần nữa do tận dụng cơ hội VN đã thành đứa em
nhỏ mắc nợ trong “đại gia đình CS” và do những ràng buộc của cá nhân HCM như
trên đã nói. Kế hoạch bành trướng
kiểu “tằm ăn dâu” của Trung Cộng cứ bám chặt vào “tình hữu nghị Việt-Trung quý báu mà bác Hồ và bác Mao đã dày công xây
đắp”, đó là “tài sản quý báu của nhân dân hai nước”. Cứ trương cái “tình hữu nghị, tài sản quý báu” giả tạo
mà nuốt dần, nuốt hết tài sản thật của người ta. Tàu xưa nay vẫn thâm, Tàu Cộng
Sản lại càng thâm hơn bao giờ hết. Dựa vào “Bác Hồ” để bàn kế Thoát Trung là
trúng kế của địch, là mở cửa thành cho Bành trướng tiến vào. Vì thế “muốn Thoát Trung phải Thoát Cộng, muốn Thoát Cộng phải Thoát
Hồ”, triết lý cuối cùng của
sự nghiệp Thoát Trung là như vậy, nhưng bước đi cụ thể thì không thể cứng nhắc
mà phải từng bước phối hợp linh hoạt giữa 3 cuộc “Thoát” nói trên. Người đảng viên Cộng sản còn yêu nước
cũng phải thoát khỏi “cái gông CS” mới cứu được nước, tất nhiên Thoát Cộng là
thoát trong tư tưởng, trong ý thức (và điều này dễ dàng kiểm chứng) chứ không ở
chỗ có tuyên bố Thoát Cộng hay không.
Phương pháp, cách đi cụ thể thì có nhiều, mỗi
người có thể tận dụng thế mạnh của mình để góp phần xứng đáng, nhưng nhận thức
thì phải hiểu tận cùng bản chất, không nên mơ hồ duy cảm hay tự biện hộ.
Trong
cơn thoái trào Cộng Sản, để tự vệ người CS Việt Nam thường trút bỏ Mác-Lê trụ
lại với HCM, trong HCM thì trút bỏ chất CS giữ lại chất yêu nước như nơi cố thủ
cuối cùng. Nhưng câu chuyện nhỏ của người đảng viên già bỏ đảng khiến tôi thấy
rõ nơi cố thủ cuối cùng đó chính là nơi dễ đổ nhất, yên tâm bám vào chút “hào
quang le lói” đó khác nào bám vào sợi chỉ mành trước cơn giông bão của tri thức
thời đại và nguy cơ Bắc thuộc mới.
Tôi không phải đảng viên Cộng sản, nhưng vẫn
luôn được các đảng viên Cộng sản chia sẻ tâm sự, từ Nguyễn Hộ, Trần Độ…đến
Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hiếu
Đằng…và vô số đảng viên đang sống hôm nay, trong đó có những đảng viên bỏ đảng
như người đảng viên 92 tuổi vẫn lặn lội vào Đà Lạt thăm tôi như nói trên. Vì
thế chuyện bỏ đảng hay ở lại trong đảng để đấu tranh tuy không phải việc của
tôi, nhưng đã chung nhau một gánh nặng nước non thì cũng xin phép chia sẻ lại
đôi lời bàn góp, nhân được sự thổ lộ chí tình của một đảng viên già bỏ đảng.
Hãy từ bỏ những điểm tựa sai lầm chỉ gây sự
phân ly, để cùng nhau kết lại cứu nước khỏi tình trạng “quốc gia không chịu phát triển” và thảm họa Bắc thuộc mới mỗi lúc
một tới gần!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét