MẠNG SỐNG NGƯ
DÂN VÀ CHỦ QUYỀN VIỆT NAM
Phạm Trần
Đã có những bằng chứng
Trung Cộng gia tăng áp lực ngư dân Việt Nam bỏ biển và đảng Cộng sản Việt Nam quy
hàng Bắc Kinh ở Biển Đông từ đầu năm 2018 khi Chính phủ chỉ biết phản đối Trung
Hoa bằng nước bọt.
Bằng chứng đã được Hội nghề
cá Việt Nam công bố trong công văn ngày 26/03/2018 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ
Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Theo lời ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam thì:” Gần đây, các hội nghề cá 2 tỉnh Quảng Nam và
Quảng Ngãi liên tục phản ánh các tàu của địa phương này bị tàu lạ tấn
công, cướp phá khi đang hoạt động ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa khiến chủ tàu, ngư dân thiệt hại lớn về kinh tế.” (báo Thanh Niên, 26/03/2018)
Theo báo cáo của T.Ư Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam thì:” Khoảng 2 giờ ngày 18.3, tàu cá mang số hiệu
QNa 90822, do anh Nguyễn Tuấn Sơn (ngụ tại xã Tam Quan, huyện Núi Thành) làm
chủ tàu, khi đang hành nghề lưới cản ở tọa độ 16 độ vĩ bắc và 111 độ kinh đông
thì bị tàu sắt vỏ sơn màu trắng bao vây. Khoảng 15 phút sau, 1 ca nô khác chở
theo nhóm người mang súng áp sát mạn tàu. Ngay sau đó, nhóm 6 người đã nhảy lên
tàu anh Sơn dùng súng khống chế ngư dân và có hành động cắt phá lưới cụ và lấy
đi 2 bình ắc quy.”
Một vụ đâm va nghiêm trọng khác
xảy ra với 2 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi gây thiệt hại nặng về tài sản. Sự việc
xảy ra ngày 22.3, tàu cá QNg 90440 TS và QNg 90045 TS của ngư dân xã Bình Sơn
(huyện Quảng Ngãi) khi đang núp gió ở đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa của
Việt Nam, bị tàu sơn trắng số hiệu 46016 và 45103 tấn công đâm va, gây thiệt
hại khoảng 800 triệu đồng.
Nhấn mạnh quan điểm phản đối
hành động vô nhân đạo đối với ngư dân, T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị các
cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm các tàu lạ có hành vi đâm va, cướp
phá tài sản tàu cá Việt Nam để xử lý và ngăn chặn các hành động tương tự; đồng
thời đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường các biện pháp đảm
bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho ngư dân Việt Nam trong hoạt động lao động, sản xuất trên biển.”
TẠI SAO KHÔNG NÓI TẦU TRUNG
CỘNG ?
Đáng chú ý là trong văn thư báo cáo để phản đối, Hội nghề cá Việt Nam
không dám nói thẳng tầu của Hải quân Trung Cộng (hay Trung Quốc) là thủ phạm
đâm tầu cá Việt Nam và lính Trung Cộng đã phá hoại và cướp tài sản của ngư dân.
Họ chỉ dám nói là “tầu lạ” để
không chạm đến Trung Hoa như cách tránh
“phạm húy” để không làm phương hại đến giao hảo giữa hai nước Việt-Trung
theo yêu cầu của đảng. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên chuyện va chạm được
coi là “nhạy cảm” phải né tránh mà là tư
duy hèn nhát của lãnh đạo đảng và Chính phủ Việt Nam đã được Ban Tuyên giáo
đảng áp dụng từ xưa đến nay.
Tuy nhiên, đối với ngư dân—những nạn nhân của đội quân cướp biển đã man
Trung Cộng từng bắn ngư dân Việt Nam, đâm chìm tầu trong đêm tối và tịch thu
ngư cụ và hải sản đánh bắt thì họ đã tố cáo đích danh lính Trung Hoa.
Bằng chứng đã được viết trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 23/03/2018:”Chiều 23-3, tàu cá QNg 90045 do ngư dân Đặng
Tằm làm chủ tàu kiêm thuyền tưởng và tàu cá QNg 90440 do ông Đặng Bi làm chủ
tàu (cùng trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã về đến cảng Sa Kỳ
trình báo với cán bộ đồn kiểm soát biên phòng Sa Kỳ về việc bị tàu Trung
Quốc tấn công, cướp phá tài sản trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền
Việt Nam.”
Theo trình báo của các thuyền trưởng và thuyền viên thì:” Khoảng 10h ngày 22-3, hai tàu cá này đang
trú gió ở Đá Lồi thì bất ngờ bị hai tàu Trung Quốc màu trắng, số hiệu
46106 và 45103, áp sát. Tàu cá QNg 90440 bị đâm mạnh, bị vỡ dọc mạn phải từ đầu
đến đuôi tàu, nặng nhất là phía sau tàu.
"Tôi và anh em phát hoảng vì cú đâm mạnh quá.
Lúc đó cứ nghĩ tàu bị chìm rồi, bởi gió lớn. Anh em chỉ còn biết lạy
trời",
thuyền trưởng tàu QNg 90440 Đặng Duy Bình nói.
Cũng theo trình báo của ngư dân,
sau cú đâm, phía tàu Trung Quốc thả một canô chở theo 8 người mặc quân
phục và mang theo súng, dùi cui áp sát leo lên hai tàu cá.
Thuyền trưởng Bình kể: "Lúc
đó tôi đang cầm lái liền bị một người Trung Quốc có súng tát tôi hai bạt tai.
Xong họ cướp lái, ép ngư dân về phía mũi tàu. Họ bắt chúng tôi đưa hai tay lên
đầu cúi đầu xuống đất, chỉ cần ngước lên là bị đánh".
Dùng vũ lực dồn ngư dân hết về
phía mũi tàu, những người Trung Quốc có vũ trang tiếp tục lục cabin lấy đi điện
thoại, máy móc, phá lưới và ngư cụ, đồng thời ép ngư dân chuyển toàn bộ hải sản
đánh bắt được lên tàu Trung Quốc. "Không làm theo họ cũng đánh", thuyền trưởng Bình nói.
Tương tự, tàu QNg 90045 của ngư dân Đặng Tằm cũng bị cướp phá, chặt dây
hơi, phá máy dò cá, bộ đàm.
Ngư dân Tằm cho biết: "Họ có
cả thông dịch viên nói rất giỏi tiếng Việt, họ hỏi chúng tôi ở tỉnh nào của
Việt Nam, ghi lại vào sổ. Đến khoảng 14h chiều 22-3, sau khi phá hoại, cướp tài
sản trên tàu họ bảo chúng tôi về Việt Nam. Lúc này vào cabin mới hay, đến cả
điện thoại, nước uống cũng bị cướp sạch".
BỎ THUỐC ĐỘC VÀO NƯỚC ?
Bài báo viết tiếp:”Không chỉ cướp
phá, người trên tàu Trung Quốc còn đổ một gói bột màu trắng bao bì ghi chữ
Trung Quốc vào nước uống của ngư dân, khiến ngư dân không thể uống. Các ngư
dân cho rằng đây là hành động triệt luôn đường sống, không cho ngư dân tiếp tục
bám trụ ở Hoàng Sa.
Ông Tằm ước tính thiệt hại lên
đến 350 triệu đồng, trong khi tàu cá của ông Bi thiệt hại lên đến 400 triệu
đồng. Đến 19h cùng ngày, lực lượng biên phòng Sa Kỳ vẫn làm việc với ngư dân để
hoàn tất hồ sơ, báo cáo vụ việc lên tỉnh Quảng Ngãi.”
Đọc những lời kể của ngư dân, có ai là người Việt Nam mà không đau lòng
khi thấy Chính phủ và đảng CSVN, kể cả
Bộ Ngoại giao đã không có bất cứ phản ứng nào về hành động tàn bạo của lính
Trung Hoa trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
Mọi người cũng muốn biết lực lượng Cảnh sát Biển và lực lượng tuần
duyên Hải quân của Việt Nam đã biến đâu mất trong những giờ phút ngư dân gặp
nạn ?
Hình ảnh duy nhất xuất hiện
trên các báo Việt Nam cho thấy một số nhân viên của Lực lượng Biên phòng đã được
cử đến để lấy lời khai của ngư dân và ghi tang chứng những tầu cá bị quân Trung
Cộng tấn công khi họ cập bến.
Việc làm này, cũng như các
lần trước, chỉ để báo cáo lên cấp trên cho có lệ và không đem lại bất cứ kế qủa
nào.
CẤM ĐÁNH BẮT
Tuy nhiên, hành động tấn
công các tầu cá Việt Nam tháng 3 năm nay (2018) quanh vùng biển
Hoàng Sa, bị quân Trung Cộng đánh chiếm
từ tay Hải quân Việt Nam Cộng hòa tháng 1/1974, đã xẩy ra vào dịp Bắc Kinh đơn
phương ra lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông từ 12 giờ ngày 1/5 đến 12 giờ ngày
16/08/2018, mà họ nói là để bảo dưỡng nguồn hải sản.
Đối với ngư dân Việt Nam
thì thời gian cấm đánh bắt lại rơi đúng vào vụ mùa thu hoạch cao loại cá Nam
hàng năm tập trung về vùng Hoàng Sa và Trường Sa cho nên, dù biết nguy hiểm ngư
dân Việt Nam vẫn tiếp tục ra biển đánh bắt.
Vậy Chính phủ Việt Nam đã
phản ứng về lệnh cấm của Trung Cộng ra sao ?
Về phương diện bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ và bảo vệ an ninh cho ngư dân thì chưa thấy Chính phủ Việt Nam
nói gì. Duy nhất chỉ thấy người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng:”Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết
định đơn phương này của phía Trung Quốc.”
Bởi
vì theo bà Hằng thì :” Quy chế về nghỉ đánh bắt cá trên biển, bao gồm một số vùng
biển của Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam
trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước
của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của
Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông, trái với Thỏa thuận về những nguyên
tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù
hợp với thỏa thuận quan trọng Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm
soát tốt bất đồng trên biển, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình,
ổn định và hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai
nước cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển
Đông hiện nay.”
Tuy nói thì hằng đấy nhưng
Việt Nam không có lực lượng chấp pháp hữu hiệu trên biển nên Trung Hoa đã bỏ
ngoài tai tất cả những gì Việt Nam muốn nói.
TẬP TRẬN LÀM GÌ ?
Cũng đáng quan tâm là khi
tình hình Việt-Trung nóng lên thì Trung Hoa đã thực hiện hai cuộc tập trận quy
mô trên Biển Đông, ngay sau khi lính của họ tấn công ngư dân Việt Nam và ban
hành lệnh cấm đánh bắt dài hơn 3 tháng.
Cuộc tập trận thứ nhất của
của khoảng 40 tầu Hải Quân các loại và tầu sân bay Liêu Ninh đã diễn ra ở khu vực
nam đảo Hải Nam hướng ra Biển Đông.
Sau đó là cuộc tập chiến đấu
trên không của Binh chủng Không quân bao gồm vùng trời ở Biển Đông, khu vực Tây Thái Bình Dương và vùng eo biển ở miền nam Nhật
Bản.
Theo tin Quốc phòng Tây
phương thì Trung Hoa đã sử dụng oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và Su-35
và nhiều loại máy bay khác trong cuộc tập dượt này.
Nhưng tại sao Trung Hoa lại
tập trận Hải-Không quân lớn như thế vào lúc này ?
Không có bất cứ phát ngôn nào của Bộ Quốc phòng cho biết lý do, nhưng Tân
Hoa Xã của Trung Hoa (Xinhua News Agency) đã trích thông cáo của Không quân
Trung Quốc viết hôm 25/3 nói rằng: “Việc
tập trận của lực lượng không quân là nhằm tập dượt cho các cuộc chiến trong
tương lai và là công tác chuẩn bị trực tiếp nhất cho việc chiến đấu.”
Nhưng tương lai là bao giờ
và liệu Việt Nam đã chuẩn bị chưa ?
CUỘC CHIẾN TRÊN BIỂN
Rất khó biết, nhưng theo lời
Thiếu tướng, nguyên Chuẩn Đô đốc
Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội
Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh thì ông tin Việt Nam có đủ
sức bảo vệ biển đảo, và tổ chức những trận đánh xa bờ từ 500 đến 600 cây số.
Trong cuộc phỏng vấn của
Zing.VN (đăng ngày 01/03/2017), tướng Lâm nói:”Với lực lượng hiện nay, Hải quân Việt Nam đủ sức
để bảo vệ bờ biển và hải đảo của Tổ quốc. Điều tôi thấy quý là lớp tàu tên lửa
Tia chớp Molniya. Tàu chỉ có lượng giãn nước 560 tấn nhưng có thể mang tới 16
quả tên lửa với tầm bắn 180-200 km. Đây là loại tàu do Việt Nam đóng dựa trên
công nghệ chuyển giao của Nga.
Với riêng tàu ngầm, chiến thuật
rất khác. Tàu có thể đi ra biển một tháng mới về, kíp tàu đó được lên bờ an
dưỡng, huấn luyện rồi lại xuống tàu khác đi. Chúng ta có 6 tàu ngầm nhưng hoạt
động trên biển chỉ 2 chiếc. Còn 2 chiếc nằm cảng, 2 chiếc bảo dưỡng.
Tôi nghĩ với lực lượng như
hiện nay, chúng ta có thể tổ chức được trận đánh, giáng trả khi bị tấn
công".
Ông nói tiếp:”Trước kia, chúng ta
không có khả năng đánh ở Trường Sa. Nhưng từ 2010 trở lại đây, khi có lực lượng
đặc biệt thì chúng ta có điều kiện tổ chức những trận đánh cách bờ 500-600 km,
tức là đánh đến Trường Sa và xa hơn nữa.”
Zing-H: Với việc trang bị một loạt
phương tiện, vũ khí tối tân, đánh giá của ông về tương quan lực lượng giữa Hải
quân Việt Nam và các nước trong khu vực hiện nay ra sao?
Tướng Lê Kế Lâm:” Nếu so sánh với
Hải quân Trung Quốc thì Hải quân của chúng ta còn cách xa họ. Vì họ có một nền
công nghiệp quốc phòng hiện đại. Họ phóng được tàu vũ trụ, họ có hệ thống vệ
tinh Bắc Đẩu tự dẫn đường thay cho GPS của Mỹ. Tất cả vũ khí của họ đều tự sản
xuất ra được. Tàu chiến họ đóng được rất nhanh và nhiều.
Mỗi nước Đông Nam Á cũng có thế
mạnh riêng của họ. Ví dụ, Singapore đất nước nhỏ, bờ biển ít, để bảo vệ quốc
gia và biển, họ cũng có tàu ngầm và tàu chiến. Hải quân Singapore cũng là lực
lượng có sức chiến đấu khiến nhiều nước phải nể sợ.
Đối với Hải quân Việt Nam, từ
2010, chúng ta đã có sức tấn công. Có thể dùng nhiều đòn chứ không chỉ một đòn.
Có thể tấn công bằng tên lửa bờ, tên lửa tàu mặt nước, tên lửa ngư lôi của tàu
ngầm, bằng các phương tiện khác như đặc công nước, hải quân đánh bộ.”
TƯƠNG LAI GẦN VÀ XA
Zing-H: Tuy nhiên, có thể thấy chiến
lược hiện đại hoá Hải quân Việt Nam mới chỉ ở những bước đầu tiên. Theo Chuẩn Đô
đốc, tiếp theo chúng ta nên làm gì?
Tướng Lê Kế Lâm :” Chúng ta không
thể cứ đi mua vũ khí mãi. Mua tốn tiền đã đành nhưng quan trọng hơn là sự lệ
thuộc. Không phải người ta bán cho mình tất cả những gì ưu việt nhất.
Bước tiếp theo phải tự sản xuất.
Chúng ta sản xuất gì? Đối với hải quân, trước hết phải sản xuất tên lửa và
pháo. Ngân sách quốc phòng ít nhất phải chiếm 2% GDP thì mới đủ tiền để nghiên
cứu, chế tạo vũ khí. Mỹ giành 3% GDP, Trung Quốc có thể lớn hơn nữa.”
Nguyên chuẩn Đô đốc Lâm còn
khuyên:”Hơn hết, các thế hệ lãnh đạo phải
hiểu được ý đồ của nước lớn. Chúng ta hoan nghênh đa phương, đa dạng hoá. Tuy
nhiên, không thể tin ai hoàn toàn, cũng không dựa vào ai hoàn toàn. Dựa vào một
ai đó rồi sẽ đến lúc bị phản bội.
Nếu phải mua thì đa dạng hoá nhà
cung cấp, đừng chỉ đi với một nước. Cái hay của việc này là tiếp thu được nhiều
tinh hoa, nhiều kênh vũ khí. Ngoài Nga còn có Pháp, Ấn Độ, Israel... Tuy nhiên,
cái khó là hệ thống vũ khí không đồng bộ, người sử dụng phải đi học ở nhiều
nước khác nhau. NATO hiện đang hướng tới thống nhất một dòng vũ khí để đảm bảo
hậu cần. Theo tôi, Việt Nam nên sản xuất lấy một dòng vũ khí của mình, chỉ có
Việt Nam có.”
Zing H:- Trong những năm tới, theo đánh
giá của Chuẩn Đô đốc, tình trạng giằng co trên biển giữa các nước sẽ diễn biến
như thế nào? Liệu Hải quân Việt Nam đã đủ sức để ứng phó với những biến động
đó?
Tướng Lê Kế Lâm: “Việt Nam chưa
từng tham gia chiến tranh trên các đại dương. Hơn nữa, đó là chuyện giữa các
nước lớn. Nhưng khả năng đó còn xa, không nước nào muốn có cuộc chiến tranh
này, kể cả Mỹ hay Trung Quốc.
Còn ở gần như biển Hoa Đông,
giữa Nhật và Trung Quốc hay trên Biển Đông thì nếu Trung Quốc có cái đầu nóng,
đẩy mạnh hoạt động vũ trang lên cao thì có thể xảy ra xung đột.
Trong trường hợp này, chúng ta
phải có đối sách thật linh hoạt, khôn khéo để giữ hoà bình, ngăn chặn đầu nóng
của Trung Quốc. Muốn ngăn chặn phải làm tốt hai vế: ngoại giao và tăng cường
sức mạnh quân sự. Phải có sức mạnh thật sự để những cái đầu nóng nếu muốn gây
ra chuyện gì, sẽ phải tính đến thiệt hại đau đớn.”
CHUYỆN TRƯỚC MẮT
Quan điểm quốc phòng và chiến
lược biển của nguyên Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đồi với viễn ảnh nguy cơ chiến
tranh Việt-Trung trên biển là chuyện có thể còn xa.
Nhưng bây giờ là chuyện gần
đã xẩy ra giữa hai nước Việt-Trung liên quan đến Dự án giếng dầu và khí đốt Cá
Rồng Đỏ do PetroVietNam hợp tác với
Repsol (Spain,Tây Ban Nha) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các tin của Kỹ nghệ dầu khí
xác nhận Việt Nam đã phải đình chỉ tìm kiếm ở giếng Cá Rồng Đỏ, sau khi Trung
Hoa đe dọa sẽ tấn công quân sự rộng rãi vào các vị trí của Việt Nam ở Trường
Sa.
Giếng Cá Rồng Đỏ, lô 163-03, nằm ở khu vực bãi Tư Chính (Vanguard
Bank), phía Tây Nam trong quần đảo Trường Sa và cách Vũng Tàu khoảng 200 hải lý
về phía Đông Nam.
Giếng này có khả năng sản xuất 25.000-30.000 thùng dầu và 60 triệu mét
khối khí mỗi ngày.
Trung Hoa cho rằng giếng Cá Rồng Đỏ nằm trong vùng “lưỡi bò” thuộc chủ
quyền của họ, mặc dù Tòa án Quốc tế đã bác bỏ luận cứ này từ năm 2016
Bất chấp phán quyết của Tòa án, Trung Hoa lại di chuyển dàn khoan
HYSY-760 cùng 40 tàu hải giám tới khu vực gần bãi Tư Chính, gần giếng Cá Rồng
Đỏ để cạnh tranh tìm kiếm và khai thác
dầu khí với Việt Nam, theo tin của Kỹ nghệ dầu khí.
Tuy nhiên, cho đến nay dù chuyện Cá Rồng Đỏ đã xẩy ra từ giữa năm 2017,
cả hai Chính phủ Việt-Trung đều im hơi lặng tiếng, hầu như cả hai bên đều muôn
tránh làm cho mối bang giao phức tạp thêm.
Nhưng Trung Hoa không chỉ bất bình với Việt Nam ở Cá Rồng Đỏ mà còn hậm hực với
Hà Nội về Dự án Mỏ Cá Voi Xanh của ExxonMobil trong lô 118 ngoài khơi Đà Nẵng.
Tin từ phía Việt Nam và
ExxonMobile xác nhận Dự án mỏ dầu khí Cá Voi Xanh sẽ được Petrovietnam và
ExxonMobil chính thức khởi động vào cuối năm 2019.
Cũng cần nhắc lại vào ngày 01 tháng 05 năm 2014, Trung Hoa đã ngang
nhiên đem giàn khoan khổng lồ Hải Dương (HD) 981 vào sâu trong vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần
đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa để tìm kiếm dầu.
Vị trí đặt giàn khoan chỉ cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng
Ngãi, Việt Nam)
khoảng 120 hải lý về phía đông (mỗi Hải lý dài 1,852 mét) đã
gây ra cuộc khủng hoảng dài 75 ngày giữa Việt Nam và Trung Hoa. Nhiều cuộc va
chạm tầu, thuyền giữa đôi bên đã xẩy ra nhưng chiền tranh đã được kìm hãm vì áp
lực của Thế giới đòi Trung Hoa phải ngưng hoạt động trái phép.
Cuối cùng Trung Hoa đã phải rút
giàn khoan HD-981 về nước ngày 15/07/2017, cùng lúc trận bão lớn có tên Thần Sấm
tràn vào Biển Đông.
Bang giao Việt-Trung từ đó đã rẽ sang lối đi khác, sau nhiều năm tháng
nguôi ngoa sau các biến cố đẫm máu Hoàng
Sa 1974, Cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979-1990 và cuộc thảm sát Gạc Ma 1988.
Bởi vì lịch sử Việt Nam đã nhiều
lần chứng minh Lãnh đạo láng giềng phương Bắc tuy là bạn cùng thuyền hôm nay mà cũng có thể là kẻ lật thuyền ngày mai.
Bằng chứng như chuyện các ngư phủ Việt Nam tiếp tục bị lính Trung Cộng
hành hạ, bắn giết và cướp tài sản ở Biển Đông của Việt Nam và các vụ tranh chấp
lãnh hải và tài nguyên thuộc quyền sở hữu của Việt Nam đã chứng minh rõ mặt bạn-thù
trong Thế giới hôm nay.
Thế mà tiếc thay, Việt Nam vẫn có những Lãnh đạo người Việt Cộng sản còn
ngây thơ nhắm mắt để sa vào vào cái bẫy của tình hữu nghị 16 chữ Vàng và Tinh
thần 4 tốt (láng giềng hữu nghị, hợp tác
toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng
giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.)
-/-
Phạm Trần
(03/018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét