Đi viếng Thượng nghị sỹ John McCain.
Ghi
chép của Nguyễn
Xuân Nghĩa.
Lo xa vừa phải thì tốt, lo xa quá xa thì mệt. Nghĩa tôi rời
giường từ 4 h sáng, rời Hải Phòng từ 5 h nên có mặt tại 170 (tòa nhà Vườn Hồng)
phố Ngọc Khánh-Hà Nội vào khoảng 8h kém 15. Thông báo của ĐSQ Hoa Kỳ viết rằng
lễ viếng/ ghi sổ tang thượng nghị sĩ John MacCain bắt đầu từ 10h, vậy nên tôi
đã đến sớm những 2 giờ đồng hồ.

Mưa nặng hạt. Trong chiếc áo mưa, cảm thấy không khí bao
quanh cơ thể nồng lên như bị ấp trong nồi nước sắp sôi, tôi đi trên vỉa hè, qua
cổng tòa nhà hai lần, 9h30 vẫn chưa thấy ai là người của mình có mặt.
Nhìn vào hành lang tòa nhà lớn đối diện với mặt đường thấy
một hàng dài đến 200 người Việt Nam đang đứng xếp nốt chờ nộp hồ sơ xin visa
vào Mỹ. Không biết trong đó có bao nhiêu phần trăm con cái, người nhà các ông
việt cộng xin sang đấy lót ổ cho ngày bố hoặc chồng họ "hạ cánh an
toàn". Tôi mỉm cười. Những người đang kéo "Giấc mơ Mỹ" về Việt
nam để khỏi cần rời quê hương vài chục phút nữa sẽ đến đây chia buồn cùng ĐSQ,
nhân dân Mỹ và thân nhân của một TNS Mỹ vừa từ trần. Ngược lại những người kia
không muốn kéo gấc mơ Mỹ về Việt Nam, họ muốn đến tận Mỹ để hưởng một mình thì
phần đông không cảm xúc, tệ hơn là không hề biết có một TNS Hoa Kỳ có một nửa
trái tim dành cho VN vừa qua đời.
10h kém 15, người đầu tiên tôi nhìn thấy là tiến sĩ Nguyễn
Quang A, xung quanh ông còn 4 người nữa. Mừng quá! Cảm thấy hết cô đơn. Tôi vội
bước đến. Chào hỏi vài câu lấy thủ tục xong, tất cả kéo nhau vào quán cà-phê
ngay trong khuôn viên của tòa nhà.
Quán quá đông. Không thể tìm đủ ghế cho cả 6 người. Đang
nhường nhau thì nhóm Hội Văn đoàn độc lập bước vào. Anh em thuộc hội Văn đoàn
độc lập gồm 5 người nhưng tôi chỉ biết ba. Anh Đào Tiến Thi thì ra tù tôi mới
biết. Riêng anh Phạm Xuân Nguyên, nhà lý luận phê bình văn học và anh Hoàng
Minh Tường, nhà văn hơn 10 năm rồi giờ mới thấy lại.
Ngoài trời vẫn mưa nhẹ. Không thể ra sân, tất cả hơn 10
người phải đứng ngồi lố nhố trong cái quán cà-phê ồn ào. Không ai biết ly cà
phê này, kia là của ai, ai gọi. Bởi vậy lúc mọi người ra đi, một nửa vẫn
nguyên.
Chiếc xe bán tải chở hai vòng hoa đến đỗ ở mép đường, anh
Phạm Xuân Nguyên chạy ra giúp người lái xe dựng hai vòng hoa vào bức tường cạnh
cổng. Tôi bước ra theo. anh tài rút trong túi ra hai dải băng đen găm vào hai
vòng hoa. Vòng thứ nhất của Hội nhà báo độc lập: Hội nhà báo độc lập kính
viếng... Vòng thứ hai của Hội văn đoàn Độc lập: Hội văn đoàn độc lập kính
viếng... Độc lập, không thuộc quyền kiểm sát, chỉ đạo của nhà cầm quyền... cả
hai vòng hoa đều nhạy cảm. Tôi nhìn ra xung quanh. Có mấy thanh niên đứng gần
chăm chú nhìn, nhưng hai giải băng tang không bị giật.
Vài phút sau các anh: Nguyễn Tường Thụy, Trương Dũng, chị
Thúy Hạnh, chị Lân Tường Thụy và anh Vi Đức Hồi đến. Chúng tôi có hơn 20 người.
Đúng 10h, một nhân viên an ninh của sứ quán bước ra, đưa
chúng tôi vào một hành lang nhỏ và ngắn. Tại đầu hành lang có thêm một nhân
viên an ninh chờ sẵn.
Đối với tôi, ấn tượng nhất lúc này là hai nhân viên an ninh.
Tất nhiên họ là người Việt Nam mình, tuy nhiên họ vạm vỡ, nhanh nhẹn và lặng
lẽ, nghiêm túc với công việc. Trên cánh tay áo của bộ đồng phục họ vận có gắn
một lá cờ Mỹ khiến tôi có cảm giác đang làm việc với nhóm Delta của quân đội
Mỹ. Càng cảm nhận rõ hơn một điều đã cảm nhận: dù là người Việt, khi làm việc
cho Mỹ cũng không còn là người Việt.
Đầu tiên chúng tôi bị check in chứng minh nhân dân.
Tôi và nhà báo Nguyễn Tường Thụy bị giữ lại. Chúng tôi không
đem theo CMND. Ai mà ngờ được! Đi viếng ông thượng nghị sĩ của họ chứ đâu phải
đi... Khủng bố! Một đoạn dây bạt màu vàng được họ kéo từ cột inox bên kia sang
bên này cách ly hai chúng tôi với nhóm anh chị em đi trước. Thay cho phật lòng,
tôi lại thấy vui vui:
Tôi nói: - Hai anh gọi mấy người đi trước quay lại để họ bảo
lãnh cho chúng tôi. Cùng nhóm với chúng tôi đấy!
- Hai bác chịu khó đứng chờ một chút. Chúng cháu phải hỏi
xếp!
Nghĩ họ phải đi trình xếp vụ chúng tôi không có CMND đâu đó
xa lắm, không ngờ chỉ sau một phút xếp của họ xuất hiện. Xếp của họ cũng là một
nhân viên AN người Việt. Anh ta nhìn qua hai chúng tôi rồi gật nhẹ đầu và cười.
Dải vải bạt được thu lại cùng một lời nhã nhặn của một trong hai nhân viên AN
đứng cạnh chúng tôi:
- Mời hai bác đi tiếp vào trong.
Chúng tôi đi nhanh để theo kịp nhóm. Phòng tiếp theo check
in túi xách tay và điện thoại di động.
Chúng tôi giơ điện thoại ra phía trước. Một nhân viên AN
quẹt vào mặt điện thoại bằng một công cụ gì đó hình dẹt và mảnh nhìn qua giống
như một mẩu nhựa. Tôi không nhận thấy trong tôi một khó chịu nào, trái lại vô
cùng bình thản và vững tâm. Tiếp đến chúng tôi thả túi xách vào một băng tải
nhỏ và ngắn. Băng tải chạy qua một chiếc hộp ra đầu bên kia để chúng tôi đi
tiếp dăm bước cầm lên.
Tất cả chỉ trong 2 phút. Nhẹ nhõm và thân thiện. Cuối cùng
chúng tôi được phát một tấm thẻ đeo vào túi ngực và bước vào phòng lễ tiết.
Tôi là người bước vào sau cùng. Tôi thấy bà Jessica Farmer,
bí thư thứ 2 văn phòng chính trị cùng một người đàn ông Mỹ trạc 40, hơi gầy có
nước da như người lai màu đang đứng trước anh Trương Dũng, xung quanh có các
anh Nguyễn Quang A, chị Thúy Hạnh, chị Lân Tường Thụy, anh Đào Tiến Thi và vài
người khác. Hình như bà Bí thư thứ 2 văn phòng chính trị của đại sứ quán đang
giới thiệu Trương Dũng với người đàn ông pha da màu nọ.
Có cảm giác bà Jessica Farmer quen biết Trương Dũng và quen
biết tất cả anh chị em hoạt động Dân chủ, Nhân Quyền.
Tôi nhập nhóm sau nhưng được hầu chuyện bà lâu hơn mọi
người.
Qua người phiên dịch, bà hỏi thăm sức khỏe của tôi, vợ tôi
và tình hình cháu Thủy (đang học đại học bên Mỹ). Tôi thuật lại nội dung câu
nói của cháu với chúng tôi rằng: Nếu không có tiền học bổng của trường, tiền
cho vay của chính phủ Hoa Kỳ cháu không thể theo học. Ở bên đó đồng tiền gây
rất nhiều áp lực. Bà cười, gật đầu như xác nhận. Bà nói rằng bà không còn đảm
nhận công tác bí thư thứ hai Văn phòng chính trị nữa. Bà dẫn tôi đến giới thiệu
với người đàn ông cao gầy lai da màu nọ. Ông tên là Noah Zaring, tham tán chính
trị. Ông dưới quyền bà Aqueela Johnson, bí thư thứ 2, phụ trách chính trị, một
phụ nữ da màu, lúc ấy cũng có mặt trong phòng, mà tôi không để ý.
Tôi nói với ông Noah Zaring:
- Chúng tôi thương tiếc ngài John MacCain. Ông để một nửa
trái tim lại Việt Nam với 7 năm tù khắc nghiệt và thời gian sau chiến tranh vun
đắp cho quan hệ Việt- Mỹ. Ông bênh vực chúng tôi, ông muốn nhân dân Vn có nhân
quyền. Đáng tiếc ông ra đi khi chúng tôi vẫn chưa có nhân quyền.
Như nhớ ra một điều bà Jessica Farmer hỏi tôi rằng tôi đã
gặp ngài John MacCain? Tôi trả lời hai người rằng chưa một lần. Thật đáng tiếc.
Thời gian ngài Thượng nghị sĩ thường sang VN, tiếp xúc với anh chị em bất đồng
chính kiến thì tôi đang ngồi tù.
Tôi mang cảm xúc này vào mấy dòng trong sổ tang;
" Vô cùng thương tiếc ngài thượng nghị sĩ John MacCain,
công dân Hoa Kỳ đã dành nửa trái tim cho nhân dân Việt Nam. Cầu xin cho ngài
được yên nghỉ".
Để kết thúc ghi chép sơ lược này, tôi xin kể ra một chi tiết
liên quan đến một vị Việt cộng.
Trong lúc chị Thúy Hạnh đang ghi sổ tang ( chị Thúy Hạnh
viết bằng tiếng Anh) có một phụ nữ đến bên đưa ra lời đề nghị rằng chúng tôi
hãy nhường cho ông đại diện cơ quan ngoại giao của trung ương đảng cộng sản vn
viết lời chia buồn kế tiếp sau khi chị Hạnh viết xong. Thật khiếm nhã! Chúng
tôi là những người đến đây đầu tiên, đang đứng quanh bàn ghi sổ tang chờ lần
lượt. Ông đại diện cơ quan ngoại giao của trung ương đcsvn là cái thá gì vào
lúc này và đối với chúng tôi?. Hãy xét xem ai thương tiếc TNS John MacCain hơn
ai- Những người đấu tranh cho nhân quyền của nhân dân Vn hay những người đại
diện cho đcs?. Đây là lãnh thổ của Hoa Kỳ, không phải lãnh thổ của đảng cộng
sản để họ chen ngang.
Nghĩ vậy nhưng chúng tôi vẫn làm theo đề nghị của bà ta.
Chúng tôi muốn ông ta viết thật nhanh những lời chia buồn sáo rỗng, giả dối mà
đi ra cho khuất mắt.
Chúng tôi biết linh hồn TNS John MacCain cũng đồng tình với
sự lịch thiệp của chúng tôi- những người VN mà ông bênh vực khi còn sống.
Hải Phòng, đêm 28/8/2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét