Về Hai Người Phụ NữTa là gì ? Ta cần thiết cho ai? (Nguyễn Duy) Nguyệt Quỳnh
Phiên toà xử người dân Đồng Tâm cùng cái án tử
hình, chung thân dành cho con cháu cụ Kình đã phủ xuống tâm trạng u ám cho tất
cả chúng ta. Nhưng sự việc không dừng ở đó, công an đã bắt giam nhà báo Phạm
Đoan Trang, đồng tác giả của ấn bản “Báo Cáo Đồng Tâm”. Đây là một ấn phẩm song
ngữ Anh-Việt nhằm công bố với dư luận quốc tế về tội ác của lãnh đạo CS trong vụ án
tranh chấp đất đai với người dân tại Đồng Tâm.
Vụ án đã làm chấn động tâm tư người VN đến cùng cực.
Nhìn những người được toà án tha về khóc ai oán trước mộ cụ Kình hỏi ai không
rơi lệ, hỏi tim ai không quặn thắt, hỏi ai không muốn ôm những con người vô tội
ấy thật chặt vào lòng. Sự cô thế đến tội nghiệp của họ trước cái man rợ của bọn
cường quyền làm lòng người ta tan nát. Nhiều người chỉ thốt lên được: “đau, đau, đau lắm…” đau đớn cho đất nước, đau cho người, đau cho
chính mình, vừa đau vừa hổ thẹn trước sự lạc hậu, càn rỡ của luật pháp.
Nhưng lẽ ra chúng ta không nên đau nhiều như thế !? Để chấm dứt cái ác thì chỉ có
hành động. Nhà báo Đoan Trang đã chọn thái độ ấy. Không phải
tự nhiên mà các nhà nghiên cứu, các triết gia, các nhà sử học trên thế giới, những
người chuyên nghiên cứu sâu về các chế độ độc tài như Phát-xít và Cộng Sản đều
gọi hai chế độ này là “quỷ dữ”. Nhà sử học người Anh, Richard Overy thì gọi họ bằng cụm từ “nhà nước của sự khiếp hãi, nhà nước của khủng bố”.
***
Thật vậy, ngay chính cụ Kình, ông
Bùi Viết Hiếu, bà Bùi Thị Nối, những người bị lực lượng chức năng bắn thẳng vào
ngực, cũng không thể nào hiểu được tại sao họ lại bị bắn? Cả cuộc đời 29 người nông
dân ấy cũng không thể nào hiểu được điều gì đã xảy ra cho mình? tại sao họ lại
trở thành những tội phạm giết người?
Công lý ở các phiên toà nước ta chỉ
là trò hề không hơn không kém. Và trò hề đó được diễn đi diễn lại như diễu cợt
thân phận con người. Điều cay đắng, chúng ta lại là một phần trong cái bi hài kịch
ấy!
Không đâu trên thế giới này lại có
những điều thật ấn tượng như các phiên toà ở đây. Xin chia sẻ một trong những ấn
tượng ấy là các phát biểu về những điều “không cần thiết” của các vị đại diện
viện kiểm sát. Nhưng trước khi nói về những thứ “không cần thiết” đó, tôi muốn kể một
chuyện hài. Bạn có thể cười vui, cười buồn, cười chua xót, hoặc cười ra nước mắt,
… Dù sao, nó cũng minh hoạ khá chính xác về cái càn rỡ của nghành tư pháp nước
ta.
Có hai vợ chồng nhà kia đi nghỉ mát bên cạnh một bờ hồ.
Trong lúc người chồng say ngủ, người vợ lấy chiếc thuyền bơi ra giữa hồ ngồi đọc
sách. Một cảnh sát bơi thuyền đến bên bà và nói:
-
Thưa bà, ở đây cấm câu cá, tôi phải bắt bà.
-
Nhưng tôi đâu có câu cá.
-
Tôi vẫn phải bắt bà, thưa bà, vì thuyền bà có chứa đầy đủ các dụng cụ để
câu cá.
-
Khoan đã, nếu thế tôi sẽ thưa với quan toà là ông cưỡng hiếp tôi.
-
Tôi đâu có, tôi chưa hề đụng vào người bà.
-
Nhưng thưa ông, ông có đầy đủ các dụng cụ để thực hiện hành vi đó.
Những phiên toà loại “đầy đủ dụng cụ” này đã gán
ghép bao nhiêu công dân lương thiện vào những tội họ không có hành động cũng
như hoàn toàn không có khả năng vi phạm. Thế nhưng họ vẫn bị ghép vào những tội
danh kinh khủng như “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “tàng trữ tài
liệu, tuyên truyền chống phá nhà nước”, ... Khi ra trước toà, họ cũng như 29
nông dân kia, những điều luật để bảo vệ họ đều bị vị thẩm phán chủ toạ khẳng định:
“không cần thiết”.
Xin đơn cử những điều “không cần thiết” trong
phiên toà được cho là với tội danh nghiêm trọng “giết người” của 29 nông dân xã
Đồng Tâm:
-
Hồ sơ vụ án có quá nhiều điểm mâu thuẫn, nhưng đề nghị trả hồ sơ vụ án để
điều tra bổ sung của các luật sư là “hoàn toàn không cần thiết”.
-
Việc các Luật sư yêu cầu được gặp các bị cáo tại phiên toà là “không cần
thiết”.
-
Việc Luật sư yêu cầu sự có mặt của các nhân chứng quan trọng (cụ bà Dư thị
Thành, viên công an bắn chết cụ Kình) là “ không cần thiết”.
-
Việc các Luật sư yêu cầu thực nghiệm hiện trường để làm rõ cái chết của 3
công an là “không cần thiết”.
-
Việc Luật sư yêu cầu khởi tố vụ án giết người liên quan đến cái chết công dân
Lê Đình Kình là “không cần thiết”.
-
…
Ngoài những điều bạch văn trên, còn có biết bao
những điều không cần thiết khác mà người dân Đồng Tâm phải đối mặt: sự có mặt của thân nhân các bị cáo tại phiên toà
là không cần thiết; phiên toà dự định diễn ra 10 ngày là không cần thiết, chỉ bốn
ngày là nghị án được rồi; phần bào chữa của các luật sư bị tước bỏ vì không cần
thiết; …
Tòa án là nơi diễn giải luật pháp và phán xét dựa trên luật pháp, thế nhưng ở
phiên toà Đồng Tâm, một vị thẩm phán đã liên tục ngắt lời các luật sư và nói thẳng
với Ls Luân Lê rằng: “Ở đây không nói luật nữa, không giải thích
luật”?!
Suy cho cùng, tôi cho rằng vị
thẩm phán đó rất thật lòng và ông có cái lý của ông. Giải thích luật ở các
phiên toà này là vô ích, ngay đến bản thân ông hay thân phận vị chánh án cũng vậy,
cũng không cần thiết. Án bỏ túi, chỉ cần người vào vai chánh án, lôi ra đọc và
gõ búa là xong; chỉ tội cho những người chết oan trong cuộc và gia đình họ. Tôi
chắc rằng đối với thân nhân của 3 sĩ quan, những huân chương chiến công hạng nhất
đó, mới thực sự là không cần thiết!
Khi con người bất lực trước dối trá, khi sự dối
trá đã lên đến đỉnh điểm người ta mới khao khát một lời nói thật, người ta mới
thấy rằng sự thật là một báu vật. Sự Thật giúp người ta được sống với nhân phẩm, nó giữ
người ta thoát khỏi sự hèn mọn. Nhìn thái độ của nông dân Bùi thị Nối trước
toà, người ta nhớ đến hình ảnh khóc lóc, cầu xin của các tướng lĩnh, các quan
chức CS mà thấy tiếc cho họ. Dù ít học, người phụ nữ này đã làm sống lại giá trị
của một con người. Có lẽ điều này mới chính là điều cần thiết nhất cho chúng ta
trong lúc này, ở ngay tại phiên toà này.
Trong khi hầu hết 28 người
khác đã nhận tội, đã từ chối luật sư, bà Bùi thị Nối đã chọn nói thật. Bà bước
lên mọi dối trá, mọi thứ đồ giả chung quanh bằng nỗi khát khao từ đáy tim bà. Bà cầu xin mọi người
VN, thế giới, các luật sư, các trí thức hãy tìm ra con đường sáng sủa nhất cho
những con người cùng khổ trên đất nước này:
“Tôi có một vấn đề: Tôi là người dân Đồng Tâm, vì bát cơm
manh áo mà tại thời đại hoà bình, bố tôi, ông Kình 58 tuổi Đảng, là người nông
dân mẫu mực; thời đại hoà bình mà để mất các chiến sĩ hy sinh; chỉ vì một đêm
thôi, tôi đã bị một viên đạn xuyên vào ngực. Những người nông dân không có đất,
để kiếm bát cơm manh áo; yêu cầu Đảng, Chính phủ, Thế giới này, giúp người dân
lao động. Những Luật sư, nhà trí thức, cố gắng tìm ra con đường sáng sủa nhất
cho người dân lao động, cho thế giới loài người, để sống cuộc sống thanh bình
nhất, đẹp đẽ nhất”
***
Nghe câu nói đứt quãng của bà Bùi thị Nối người
ta hiểu vì sao Đoan Trang kiên trì đấu tranh, và vì sao chị viết “Báo Cáo Đồng
Tâm”. Cả hai người phụ nữ cùng bị bắt giam, cùng đối mặt với tù đầy, nhưng cả
hai cùng đánh cược những rủi ro của mình vì người khác. Tôi nghĩ đến 90 triệu
con người đang lầm lũi sống giữa thiên tai và nhân tai. Gần 200 ngàn căn hộ đã
chìm sâu trong nước, hơn 100 sinh mạng con người dập vùi trong lũ hết năm này
sang năm khác mà vẫn không ai hỏi tại sao?!
Trong những ngày mưa bão trắng miền Trung, tôi
nghĩ về hai người phụ nữ ấy. Cả hai cùng bé nhỏ, cô thế, yếu đuối, nhưng họ
thật lớn lao và cần thiết. Đọc tâm thư “nếu tôi có đi tù” của Đoan Trang tôi
nghĩ đến người phụ nữ thương tật ấy và những hy sinh âm thầm của chị mà xúc
động. Tôi tự hỏi chính mình, và nghe trong mưa gió, trên những mái nhà ngập
nước, câu hỏi như đang truyền đi trong gió bão: “Chúng Ta là gì? Ta cần thiết cho ai?”
Nguyệt Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét